Bò Yak là biểu tượng của Tây Tạng (Trung Quốc). Chúng sở hữu bộ lông ấn tượng và cặp sừng dài, mạnh mẽ.
Từ nhiều đời qua, bò Yak đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Tây Tạng. Chúng bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng và sớm được những người Tây Tạng cổ thuần hóa khoảng 10.000 năm trước. Nhờ dung tích phổi lớn gấp 3 lần bò thường, bò Yak dễ dàng thích nghi với điều kiện không khí loãng tại Tây Tạng. Ảnh: iStock.
Con đực được thuần hóa có thể nặng gần 600 kg. Con cái nặng nhất cũng lên tới gần 300 kg. Trong khi đó, Yak sống ngoài tự nhiên nặng đến 1.000 kg. Bò Yak có bộ lông dài, dày, rủ xuống qua bụng. Yak hoang dã thường có màu sẫm. Trong khi đó, bò nhà lại có màu lông đa dạng hơn, phổ biến là nâu và kem. Sừng bò Yak có một đoạn cong đặc trưng, dài tới 99 cm (đực) hoặc 64 cm (cái). Một đặc điểm chung là chúng đều có một bướu trên lưng. Ảnh: iStock.
Dân số Tây Tạng ước tính khoảng 3 triệu người. Tuy nhiên, theo thống kê, số bò Yak phải đạt tới gần 9 triệu con. Tính riêng tại huyện Nagqu, tổng số bò Yak đã là 3 triệu còn huyện Qamdo có 1,2 triệu con. Ước tính, cả thế giới cũng chỉ có 14 triệu con bò Yak. Ảnh: Flickr.
Loài bò này được người Tây Tạng thờ phụng. Bạn sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những bức tượng khổng lồ của chúng. Khi bò Yak chết, người dân thường giữ đầu chúng để treo trong nhà. Phần xương của chúng cũng được dùng làm thành những tràng hạt để hành trì. Ảnh: Getty.
Khi nói về bò Yak, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng từng miêu tả chúng là "những con vật xinh đẹp và mạnh mẽ". Ảnh: Getty.
Bò Yak được người dân sử dụng để mang vác hàng hóa. Nhờ sức mạnh thể chất vượt trội, chúng có thể vác 100-200 kg và di chuyển khoảng 15 km/ngày. Lớp lông dày giúp chúng làm việc kể cả khi thời tiết khắc nghiệt nhất, xuống tới âm 40 độ C. Ảnh: Getty.
Yak là loài vật ôn hòa. Chúng không bao giờ phản kháng lại chủ. Tuy nhiên, trong điều kiện hoang dã, bò Yak sẵn sàng đánh nhau với kẻ thù của mình cho tới khi một bên bỏ mạng. Ảnh: PopSugar.
Bên cạnh việc vận chuyển, người Tây Tạng còn dùng bò Yak để lấy sữa, lông làm áo. Nhiều người Tây Tạng theo Phật giáo nên họ thường tránh ăn thịt bò Yak. Dù vậy, du khách đến Tây Tạng vẫn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng bán sản phẩm làm từ thịt bò Yak trên phố. Phân bò Yak được dùng làm nhiên liệu đốt. Tuy nhiên, theo NatGeo, việc đốt phân ở Tây Tạng có thể thải ra cả 1.000 tấn carbon đen hàng năm - là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ảnh: Rove.
Theo Anh Tú
Nguồn tin bài và ảnh: zingnews.vn, chuyên mục Đời sống - Du lịch