Ấp Thiềng Liềng ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ có nghề làm muối lâu năm, khung cảnh thanh bình và người dân thân thiện.
Giữa tháng 10, Trần Đặng Đăng Khoa có chuyến đi đến ấp Thiềng Liềng ở huyện đảo Cần Giờ, cách trung tâm TP HCM hơn 70 km. Đây là chuyến du lịch đầu tiên của anh sau khi TP nới lỏng giãn cách xã hội nên tâm trạng không khỏi háo hức: "Ở Cần Giờ trước nay mình đã được đi thị trấn Cần Thạnh, đảo Thạnh An nhưng chưa đến ấp Thiềng Liềng bao giờ, vùng đất này rất mộc mạc, còn giữ được nét yên bình của làng quê sông nước. Được hít thở và hòa mình vào thiên nhiên xanh đẹp, ngắm cảnh rất thoải mái".
Ngày trước, nếu muốn đến Thiềng Liềng du khách phải đi đến Cần Thạnh, đi đò qua xã Thạnh An rồi mới đi tiếp qua ấp Thiềng Liềng, phải đi 2 chuyến đò mới đến nơi và đây cũng là phương tiện duy nhất để người dân di chuyển giữa đảo và đất liền lúc đó. Nhưng ngày nay, đường đến Thiềng Liềng đã rút ngắn hơn, du khách có thể đi tắt từ bến thuyền Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ di chuyển bằng ca nô thẳng đến Thiềng Liềng, rút ngắn được 20 km đường bộ và 10 km đường thủy.
Cánh đồng muối ở Thiềng Liềng nhìn từ trên cao, hiện nơi này chưa vào vụ muối. Người dân Thiềng Liềng làm muối từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm. Đây là một trong ba ấp ở xã đảo làm nghề muối, với gần 400 ha ruộng, mỗi năm sản xuất hơn 20.000 tấn muối.
Hộ dân làm muối ở Thiềng Liềng đều có khu chứa muối sau khi thu hoạch, chất lượng muối được đánh giá tốt hơn so với nhiều nơi khác nhưng giá bán lại thấp hơn vì tốn chi phí vận chuyển, người dân cũng không có phương tiện chở muối đi tiêu thụ mà phải có ghe của thương lái từ các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước... đến mua.
Du khách đạp xe trên con đường bê tông đẹp hóng gió trời, xe đi qua những mái nhà tranh, những cánh đồng muối rộng lớn của người dân Thiềng Liềng.
Khung cảnh hoang sơ, mộc mạc hai bên đường như gợi nhớ một vùng quê miền Tây Nam Bộ với mái nhà lá, những rặng dừa nước trải dài.
Mâm cơm đãi khách của người dân Thiềng Liềng với các món cháo, gỏi từ vịt nước mặn, hải sản, tôm cá, mực đánh bắt tại ấp đảo. Đăng Khoa kể đoàn tham quan của anh có hơn 10 người, nhiều hơn những đợt khách hay lui tới Thiềng Liềng trước đây nên người dân dọn bàn ăn uống tại nhà văn hóa, cán bộ địa phương cũng hỗ trợ thêm nơi nấu ăn. "Thiềng Liềng chưa phát triển nhiều dịch vụ ăn uống nhưng mọi người đều rất chân tình và gần gũi, cho mình cảm giác thân thiết như một người thân lâu ngày về thăm quê nhà vậy", anh chia sẻ.
Sau khi ăn trưa, đoàn nghỉ ngơi và bắt đầu khởi hành đi núi Giồng Chùa, ngọn núi hiếm hoi ở giữa rừng ngập mặn. Đường đến núi phụ thuộc vào con nước ở Thiềng Liềng, nếu nước quá cạn ca nô và tàu thuyền sẽ không đến được nơi và buộc phải quay đầu.
Hoàng hôn ở núi Giồng Chùa, gọi là núi nhưng nơi này chỉ là giồng đá cao khoảng hơn 10 mét và được xem là địa điểm thú vị để check in giữa rừng ngập mặn Thiềng Liềng. Chuyến đi của Khoa kéo dài 12 tiếng, khởi hành vào buổi sáng và đến 18h30 thì đoàn có mặt tại trung tâm thành phố.
"Mình đến Thiềng Liềng như được hòa mình vào cuộc sống của người dân, trẻ em vui chơi, người lớn ra thăm ruộng muối, đi ghe đánh cá, sinh sống trên sông ra sao... mình đều cảm nhận được hết và thấy rất yên bình, không quá xô bồ, rất thoải mái cho hành trình 12h đồng hồ", Trần Đặng Đăng Khoa nêu cảm nhận.
(Nguồn: Huỳnh Nhi, VnExpress, Thứ ba, 19/10/2021, 03:08 (GMT+7))