Lẫn trong cái nắng chan chát tháng 3 là những tán ô môi đang "thắp lửa" trên cây. Xuất thân từ dân dã nhưng ô môi lại mang vẻ đẹp thanh tao, đánh thức cảm xúc nhiều người khi nhìn thấy sắc hồng phơn phớt in sâu trong những đôi mắt hạ.
Mùa nắng. Mấy tán ô môi dường như "thay áo mới" khi khoác lên mình sắc hồng trong trẻo, mênh mang. Với những ai đã dành trọn năm tháng tuổi thơ ở chốn quê nghèo, ô môi luôn là người bạn đồng hành không thể lãng quên. Thật vậy. Đám nhóc chúng tôi ngày ấy chẳng mấy khi được ngắm các loài hoa đài các, kiêu sa mà chỉ biết đến hoa đồng cỏ nội. Mà bông ô môi luôn đậm chất quê!
Quên sao được những mùa ô môi ấy, mấy bạn gái trong xóm hay nhờ đám con trai trèo lên hái bông xuống để… trang trí nhà chòi. Dù có cực đôi chút, nhưng bông ô môi cũng giúp cho căn nhà "trống trước, trống sau" của đám con nít trở nên lộng lẫy. Mà chỉ vào mùa bông ô môi thì nhà chòi mới "sang" như vậy. Chứ lệ thường thì chỉ lợp lá chuối hay lá lục bình thì cũng xem là tươm tất lắm. Nhớ nhất là đôi mắt ngây thơ, thích thú của mấy cô bạn khi được cầm trong tay những chùm ô môi rực rỡ. Sắc hồng ấy dường như in vào những đôi má hay hay với nụ cười dễ mến.
Rồi chúng tôi lớn lên, mỗi đứa đi theo một nẻo cuộc đời, nhưng bông ô môi vẫn nở. Trong những tháng ngày xuôi ngược, không ít lần tôi gặp lại sắc hồng ô môi và ký ức tuổi thơ bỗng chốc ùa về. Những ngày không ưu phiền, lo nghĩ, những ngày chỉ quẩn quanh với trò chơi nghịch ngợm, những lúc tắm sông rồi trèo lên bẻ trái ô môi về thưởng thức cái vị ngọt ngào dân dã. Nhớ nhất là nụ cười "đen nhánh" của mấy đứa bạn thân sau khi thưởng thức những trái ô môi vừa chín tới.
Cho đến bây giờ, bông ô môi vẫn đẹp. Nó được những người mộng mơ gọi với cái tên trìu mến là "hoa đào của miền Tây". Với đặc tính kiên cường, gan góc trước cái nắng, cái gió, bông ô môi đẹp nhất trong thời điểm khắc nghiệt của mùa khô ở đồng bằng châu thổ. Có lẽ, tạo hóa ban cho ô môi sứ mệnh làm đẹp cho đời trong lúc vạn vật co mình dưới cái nắng như thiêu, như đốt. Bởi thế, năm nào "hạn bà chằn" thì ô môi càng rực rỡ, như biểu trưng cho sức sống tuyệt vời trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo thời gian, những cây ô môi không còn gần gũi, phổ biến trong đời sống con người. Chúng dần lui về những vùng quê xa, nơi đồng vắng mênh mông hay lặng lẽ bên dòng sông với con nước lớn, nước ròng. Khi ấy, các bạn trẻ dường như cũng quý yêu trở lại loài hoa dân dã này. Không ít lần tôi bắt gặp những bạn tuổi trẻ lặn lội đến những vùng quê để chụp ảnh với bông ô môi trong mùa đẹp nhất. Nhiều bạn chia sẻ rằng, họ ít để ý đến bông ô môi nhưng khi ngắm lại thì loài hoa này đẹp thật!
Thi thoảng, tôi vẫn thấy những trái ô môi bày bán ở ven đường và hay mua về một ít để thưởng thức vị ngọt dân dã ngày xưa. Sau những món quà bánh ê hề thời hiện đại, được nếm lại mùi vị của trái ô môi cứ khiến người ta cảm thấy thân thương đến lạ! Từ mùi vị trái ô môi, hình ảnh đám bạn ngây thơ hay tụ tập cùng nhau cười đùa khanh khách dưới cái nắng ban trưa đổ lửa bỗng hiện về trong trí nhớ.
Với người An Giang, ô môi là loài cây đã gắn chặt với hình ảnh chàng trai Tôn Đức Thắng ra đi làm cách mạng từ mảnh đất cù lao Ông Hổ, giữa dòng sông Hậu hiền hòa với bến đò Ô Môi dạt dào kỷ niệm trong mỗi bận đi, về.
Giờ đây, người ta đã trồng ô môi trở lại với mong muốn mang cái sắc hồng dân dã ấy trở về với những đôi mắt ngây thơ. Riêng cánh nhiếp ảnh cũng khó lòng bỏ qua những mùa bông ô môi rực rỡ. Họ có thể bỏ ra vài ngày để "săn" cho được tấm ảnh đẹp về loài hoa dân dã này. Tất cả như muốn nhắc nhở mọi người về một mùa hoa chân phương, gần gũi và bình yên, cứ lặng lẽ làm đẹp cho đời.
Mùa hạ nữa lại về, mùa ô môi lại đến, như nhắc nhở người ta đừng quên đi một phần vẻ đẹp chân chất của miền Tây. Để rồi, bất chợt lúc nào đó bạn nhìn thấy cánh ô môi hồng tươi trong nắng sẽ nhoẻn miệng cười, khi nhớ đến những ký ức đẹp tươi trong thuở lên mười!
(Nguồn: MINH QUÂN, Báo An Giang, 11/03/2022 - 06:28)