Hoa nở bạt ngàn bên thung lũng, nhịp sống bình dị khiến anh Lê Vũ ngất ngây trước cảnh đẹp của miền bắc Pakistan.
Anh Trần Giang Lê Vũ, sinh năm 1979, đến từ Đà Nẵng, vừa có chuyến khám phá miền bắc Pakistan trong 15 ngày. Hoa mơ trắng, hoa mơ hồng, hoa hạnh đào, hoa táo hay hoa anh đào, nở kéo dài từ cuối tháng 3 cho đến hết tháng 4.
Các địa điểm anh chụp hoa nở mùa xuân là tại Skardu (ảnh), thung lũng Hopar, làng Machulu, thành phố Khaplu, làng Ghulkin, Khyber, thủ phủ Karimabad của quận Hunza, thung lũng Yasin hay làng Pasu thuộc vùng tự trị Gilgit-Baltistan, miền bắc Pakistan.
Hoa mơ rực hồng ở Hopar nhìn từ trên cao đẹp như tranh vẽ. Anh Lê Vũ cho biết đã đi du lịch khoảng 60 nước trên thế giới, có những nước đi nhiều lần như Na Uy, Italy, Pháp, Đức, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Thái Lan, Singapore hay Malaysia... Miền đất Pakistan là nơi anh yêu thích nhất, đến nay đã đi 4 lần, 2 lần mùa thu và 2 lần mùa xuân.
Thời tiết mùa xuân vẫn còn lạnh, tuy nhiên, ban ngày thì nắng nên chênh lệch nhiệt độ tương đối lớn. Độ ẩm thấp khiến da nứt nẻ, khô môi là vấn đề cần lưu ý khi đi du lịch Pakistan.
Bản làng Machulu, Hunza ngập tràn hoa mơ. Từ thủ đô Islamabad, du khách có thể đi xe lên Hunza, tuy nhiên mất 2 ngày 1 đêm tốn nhiều thời gian, nên anh Lê Vũ chọn đi máy bay. Có hai sân bay để lựa chọn là sân bay Gilgit hoặc sân bay Skardu, trong chuyến trở lại lần này anh chọn Skardu để được nhìn thấy núi K2 cao thứ hai trên thế giới, cao nhất Pakistan (8.611 m). Chuyến bay chỉ mất khoảng 45 phút là tới Skardu.
“Chưa thấy ở đâu sân bay thoải mái như ở Skardu. Tôi chạy ra chạy vào giữa phòng chờ lấy hành lý và khu vực bên ngoài máy bay đậu để chụp hoa mà bảo vệ cũng không nói gì, còn tươi cười nói với tôi là tới đúng lúc mùa hoa nở đẹp đấy”, anh nói.
Đặc trưng mùa xuân nơi đây là hoa bắt đầu nở trước từ những khu vực có độ cao thấp rồi dần dần đến khu vực có độ cao hơn. Ngoài ra, hoa nở còn phụ thuộc theo thời tiết, nơi nào nắng ấm nhiệt độ cao thì hoa sẽ nở trước, cụ thể hoa sẽ nở đầu tiên ở Lower Hunza vào cuối tháng ba, tiếp theo đến Central Hunza và cuối cùng là Upper Hunza.
Chốn thần tiên trong nắng lạnh mùa xuân tại làng Khaplu, thung lũng hoa càng làm nổi bật bức tranh thiên nhiên rực rỡ. Nói về nét đặc trưng phong cảnh mùa xuân Pakistan, anh Lê Vũ chia sẻ đó là sự choáng ngợp bởi những thung lũng hoa nở bạt ngàn, ôm ấp những ngôi làng nhỏ bé, phông nền xung quanh là những dãy núi tuyết cao 5.000 - 7.000 m.
Bình yên ở làng Ghulkin. Trong những năm gần đây, du lịch Pakistan phát triển nhanh chóng, có nhiều khách sạn được xây dựng. “Chuyến đi lần này đa phần tôi nghỉ ở khách sạn và chỉ nghỉ một đêm ở homestay. Vì quãng đường di chuyển giữa các địa điểm tham quan, chụp ảnh cách nhau khá xa, nên phương tiện di chuyển là xe ôtô. Khi vào làng, nhiều lúc tôi phải đi bộ khá xa”, anh Lê Vũ nói.
Con lừa giúp người nông dân chở củi về trên lối nhỏ mùa xuân ở Yasin. Làng quê miền bắc Pakistan vẫn giữ được nét bình dị. Có những ngôi nhà bằng đất đã lên tới 400 trăm tuổi nhưng người dân vẫn ở, sinh hoạt hằng ngày.
Phụ nữ chủ yếu ở trong nhà, ít ra đường hơn đàn ông. “Ngoài công việc làm nông, thời gian còn lại người dân ở đây tương đối rảnh rỗi, hay nói vui là không có việc gì để làm. Chính vì vậy, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đàn ông Pakistan cứ tụm năm, tụm bảy ngồi trước nhà nhìn trời đất cho hết ngày”, anh nói.
Người địa phương sống lệ thuộc vào thiên nhiên và tôn trọng thiên nhiên. Dân ở đây chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt, nền kinh tế tự cung tự cấp. Họ ăn lúa mì, khoai tây nhà trồng, uống nước suối, sữa bò và sữa cừu nhà nuôi.
Theo anh Lê Vũ, sức hấp dẫn lớn nhất của Pakistan, khiến anh lưu luyến phải thường xuyên quay lại chính là con người. Người Pakistan thân thiện, nồng hậu và rất hiếu khách.
“Bất cứ ai gặp mình cũng nở nụ cười, chào hỏi thân mật, không ai tỏ ra khó chịu hay từ chối khi mình chụp ảnh. Sau vài câu hỏi thăm, họ sẽ mời mình vào nhà uống trà sữa hoặc lấy bánh trái ra tặng”, anh Lê Vũ chia sẻ.
Ánh mắt “biết nói” của bé gái đọng lại trong ký ức người lữ khách.
Vùng Hunza chú trọng về việc giáo dục và dân trí cao. Dù ở vùng nông thôn héo lánh, đa số người dân đều nói được tiếng Anh. Trẻ con rất tự tin giao tiếp với du khách bằng tiếng Anh.
(Nguồn: Huỳnh Phương, Ảnh: Trần Giang Lê Vũ, VnExpress, Thứ sáu, 22/4/2022, 03:08 (GMT+7))