Bãi biển Mũi Né (TP Phan Thiết) đã đón 145 khách du lịch trong ngày đầu tiên mở cửa, sáng 24/10.
Sáng nay, chị Trần Thị Thảo Trang cùng chồng, con trai hơn một tuổi và người giúp việc đi ôtô cá nhân từ TP HCM ra Bình Thuận. 10h trưa, gia đình chị đến nơi. Trước khi nhận phòng tại khu Padanus Mũi Né, gia đình chị Trang được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở tiền sảnh, kết quả âm tính.
Anh Chu Hoàng Việt, chồng chị Trang, cũng rất vui khi được ra Mũi Né trong chuyến đi 3 ngày. Theo anh, ngành du lịch Bình Thuận mở cửa đón khách khi dịch được kiểm soát thật sự cần thiết với những người có nhu cầu như gia đình anh. "Đến đây, chúng tôi an tâm vì mọi thứ đều chu đáo và an toàn", anh Việt nói.
Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc khu nghỉ dưỡng Padanus Mũi Né, cho hay để đón 40 khách đầu tiên đến cơ sở, mấy ngày qua 50 nhân viên làm việc liên tục để đảm bảo tất cả các khâu về buồng phòng, ẩm thực, môi trường, nhất là quy định về phòng chống dịch...
"Ở đây có 257 phòng với tổng công suất hơn 600 khách, hôm nay chỉ đón 40 khách, dù ít nhưng ai cũng cảm thấy phấn khởi vì khu nghỉ dưỡng đã bắt nhịp hoạt động trở lại", chị Hạnh bày tỏ.
Cùng ngày, 105 du khách từ TP HCM cũng đến nghỉ dưỡng tại Centara Mirage resort kề làng chài Mũi Né. Theo đại diện khu nghỉ dưỡng, tất cả đều đảm bảo các điều kiện theo quy định trước khi đến lưu trú.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết trước mắt các cơ sở du lịch địa phương sẽ tập trung đón khách nội địa, nhất là TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, trọng tâm nhắm vào các nhóm khách nhỏ, gia đình đã đảm bảo an toàn, có nhu cầu du lịch phục hồi sức khỏe sau dịch.
Theo ông Khoa, nếu tình hình tiếp tục ổn định, Bình Thuận sẽ đón khách quốc tế trong quý 1/2022. Hai nhóm khách đang được đón chờ là Nga và vùng Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản). "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến xanh, thu hút đông khách trở lại", ông Khoa cho hay.
Sáng 24/10, nhân kỷ niệm 26 năm ngày Du lịch Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Thường trực Hiệp hội Du lịch Bình Thuận. Theo lãnh đạo Hiệp hội, từ năm 2020, bị tác động bởi Covid-19, các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong 5 tháng qua, gần như 100% đều phải đóng cửa do ảnh hưởng trực tiếp từ vùng dịch TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, các doanh nghiệp nhỏ do khó khăn về tài chính khó phục hồi ngay được. Họ đang cần sự hỗ trợ về thuế và lãi suất ngân hàng mới có thể vực dậy. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đủ năng lực tài chính đã kêu gọi nhân viên trở lại làm việc và bắt nhịp kịp chủ trương mở cửa đón khách của tỉnh.
Các doanh nghiệp du lịch kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục phân bổ thêm nguồn vaccine để tiêm đủ liều cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành và người dân sống trong vùng du lịch trọng điểm để đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, đây là kiến nghị chính đáng.
"Vừa qua, với lượng vaccine còn hạn chế, tỉnh đã xem xét ưu tiên cho ngành du lịch, tới đây chúng tôi tiếp tục giải quyết thêm để tiến tới xây dựng điểm đến xanh", ông Minh hứa.
Theo quy định, du khách đến Bình Thuận phải tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19. Trẻ em đi cùng, chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính với nCoV. Ngay khi đến các cơ sở lưu trú, toàn bộ du khách sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Các cơ sở lưu trú phải thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, tạo mã QR để khách thuận tiện khai báo y tế theo quy định.
Người quản lý và nhân viên tiếp xúc với khách cũng phải đảm bảo đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh. Ngoài ra, nhân viên tại các bộ phận khác trong cơ sở lưu trú phải được tiêm ít nhất một liều. Trường hợp chưa tiêm vaccine chỉ được làm việc trực tuyến.
(Nguồn: Việt Quốc, VnExpress, Chủ nhật, 24/10/2021, 17:23 (GMT+7))