TST tourist

Nét đẹp hoang sơ ở hồ thủy điện thượng Kon Tum

  • Thứ 2, 28/11/2022, 09:21 GMT+7
  • 674 Lượt xem

Ngoài những điểm nổi tiếng như thác Pa Sỹ, hồ Đắk Ke, cầu treo Kon Tu Rằng… du khách còn một lựa chọn mới, đó là hồ thủy điện thượng Kon Tum.

Đặng Đoàn Sang (29 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) vừa có chuyến trải nghiệm hồ thuỷ điện thượng Kon Tum vào cuối tháng 10. Đây là một hồ nước bán nhân tạo sinh ra nhờ quá trình tích trữ nước của dự án thuỷ điện trên địa bàn hai xã Đăk Tăng và Ngok Tem - huyện Kon Plông. Mặt hồ rộng khoảng 7 km2, trải dài hơn 15 km trên dòng chính và nhiều nhánh nhỏ của dòng sông Đắk Bla.

Hồ là một điểm đến mới nổi, với cảnh vật thiên nhiên xung quanh hoang sơ, hùng vĩ và rất yên bình.

Để đến được hồ, Sang cho biết đã di chuyển gần một giờ bằng xe máy trên quãng đường hơn 15 km. Xuất phát từ trung tâm thị trấn Măng Đen theo đường tỉnh lộ 676 về hướng xã Măng Cành, anh hỏi đường đến trạm kiểm lâm Đắk Rve - Kon Rẫy và sau đó đi ca nô trên lòng hồ.

"Quãng đường di chuyển tới đây tuy không khó đi nhưng khá nhiều dốc ngắn và những ngã rẽ mà Google Maps chỉ không chuẩn. Bạn nên hỏi thêm người bản địa dọc đường để tránh bị lạc", Sang chia sẻ.

Chi phí cho một vòng ca nô xung quanh hồ là khoảng 300.000 đồng một người cho nhóm 10 người chưa bao gồm ăn uống. Du khách có thể liên hệ với những đơn vị lữ hành bản địa tại Măng Đen để được hướng dẫn trải nghiệm tốt nhất.

"Ngồi trên ca nô, ngắm nhìn bọt nước tung lên trắng xóa kết hợp với ánh sáng mặt trời tạo ra cầu vồng nhỏ hai bên mạn tàu, đi tới đâu cầu vồng theo tới đó, cảm giác như bước vào một vùng đất thần tiên", Sang cảm nhận.

Hồ thuỷ điện thượng Kon Tum nằm gọn trong lòng của con sông Đắk Bla, giữa hồ là những hòn đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô giữa làn nước xanh trong. Dòng chảy của hồ thuỷ điện này khá đặc biệt khi chảy ngược về hướng bắc, do bắt nguồn từ sông Đắk Bla, một dòng sông hiếm hoi ở Tây Nguyên có dòng chảy ngược.

Để giải thích cho việc nước sông chảy ngược, người bản địa lưu truyền câu chuyện dân gian về một tình yêu của đôi trai gái người J’rai và Bahnar sống ở thượng nguồn và hạ lưu sông. Do bị cấm cản không đến được với nhau, họ đã gieo mình xuống sông Đắk Bla. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về hạ nguồn để tìm cô gái. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía chàng trai. Đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, rồi tuân theo tục mẫu hệ chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.

Quá trình tích nước nhiều năm trong lòng hồ của công trình thủy điện vô tình đã khiến cho hàng trăm cây thông xung quanh hai bờ sông bị ngập nước, không còn khả năng phát triển và ngả sang màu trắng ngà. Dọc hai bên đường xuôi theo lòng hồ là thông trắng xen kẽ thông xanh phía sau.

Trong lòng hồ là rải rác những lồng nuôi cá nước ngọt như cá chép, cá rô, cá lóc của người dân bản địa. Ngoài ra nhờ nhiệt độ nước luôn ổn định ở mức thấp nên lòng hồ còn đang được tận dụng để nuôi thử nghiệm một số loại cá ôn đới như cá tầm, cá hồi.

Sau khi vượt khoảng 15 km lòng hồ, con thác Rô Sia (Thác thuỷ điện) dần lộ diện, tung bọt trắng nơi thượng nguồn.

Dừng chân trên một đảo nhỏ ven lòng hồ để nghỉ ngơi, du khách sẽ được hoà mình giữa những thảm cỏ xanh xen kẽ giữa rừng thông cổ thụ và hoa ngũ sắc li ti đua nở.

(Nguồn: Thu Nga, VnExpress, Thứ bảy, 26/11/2022, 03:03 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc