Những ngày tháng 3 tại Hà Nội đang thay đổi khi khoác lên mình những chiếc áo xinh đẹp của sắc hoa lá, cỏ cây.
Ghi nhận của Người Đưa Tin trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội những ngày tháng 3 đang được khoác lên mình những chiếc áo rực rỡ với nhiều màu sắc của hoa lá, cỏ cây.
Trong bức tranh giao mùa ở Hà Nội, hoa sưa mang màu trắng muốt đem lại sự thơ mộng gây sự chú ý đặc biệt đối với nhiều người dân khi bắt gặp cảnh tượng này.
Ở thủ đô Hà Nội, hoa sưa được trồng chủ yêu trên một số tuyến phố trung tâm như Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... Mùa hoa sưa ngắn, nở rất nhanh nhưng cũng chóng lụi tàn, có khi chỉ sau một đêm hoa đã nở trắng trời như một món quà bất ngờ không hẹn trước.
Những cánh hoa sưa mỏng manh rụng trắng bên hè phố, tạo nên khung cảnh nên thơ thanh bình và nhẹ nhàng hơn.
Nhiều người cũng không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh hòa trộn giữa màu trắng và tím nhạt của hoa ban bao phủ cả hàng cây dài trên từ đường Bắc Sơn đến đường Hoàng Diệu hoặc tại tuyến đường Thanh Niên.
Loài hoa đặc trưng núi rừng Tây Bắc này thường có màu màu trắng xen lẫn hồng tím, khoe sắc dịu dàng khiến nhiều người say mê, yêu thích.
Do đó, những ngày tháng 3 có rất đông người dân đủ các lứa tuổi đổ về đây để tranh thủ chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp.
Nếu không nhắc tới hoa gạo thì thật là thiếu sót trong bức tranh giao mùa tháng 3 tại Hà Nội. Ngoài được trồng nhiều ở ngoại thành thì trên một số tuyến phố trọng tâm hoa gạo cũng nở đỏ cả 1 góc trời.
Một trong những địa điểm nổi tiếng để ngắm hoa gạo ở khu vực nội thành phải nhắc đến khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tại đây, có hai cây gạo thân cao, tán rộng đang vào giai đoạn nở đẹp nhất thu hút nhiều ánh nhìn của người dân mỗi khi qua đây.
Hoa gạo có năm cánh màu đỏ tươi còn, ngoài ra còn được gọi là mộc miên hoặc pơ-lang, được trồng nhiều ở ngoại thành Hà Nội.
Cây gạo cổ thụ nằm trong khuân viên ngôi chua cổ kính tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cũng đang trong thời điểm nở rộ, thu hút nhiều người đến đây chụp ảnh và vui chơi.
Hoa gạo thường nở vỏn vẹn trong tháng 3, nhưng chỉ ít ngày vậy thôi cũng đủ làm người ta mê mẩn bởi “cá tính” riêng có của những bông hoa gạo.
Qua thời gian, cây hoa gạo vẫn đứng đó với sắc đỏ đặc trưng không chỉ tô điểm cho cảnh sắc chùa Thầy mà còn như minh chứng cho văn hóa ngàn đời của mảnh đất Phật.
Cánh hoa to cùng sắc đỏ rực rỡ thu hút nhiều người dân đã tìm đến ngôi chùa nghìn năm tuổi để chụp ảnh.
Nhằm giới thiệu cho các con biết thêm về hoa gạo và nguồn gốc của cây gạo ở ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, chị Đặng Mai Phương đến từ Hoàng Mai cho biết, những năm trước do tình hình dịch bệnh nên tôi không về chùa được. "Mới đây, xem trên mạng xã hội, tôi biết được hoa gạo ở đây đã nở nên tôi đưa gia đình đến đây để tham quan, nhân tiện chụp bộ ảnh với hoa gạo", chị Phương nói.
(Nguồn: Nguyễn Hữu Thắng, Người đưa tin, Thứ 7, 26/03/2022, 08:00 (GMT+7))