TST tourist

Ngôi đền thiêng thờ phiến đá in hình đầu người

  • Thứ 6, 30/09/2022, 08:25 GMT+7
  • 662 Lượt xem

Đền thờ nàng Bình Khương nằm gần thành nhà Hồ có một tảng đá in dấu đầu người và hai bàn tay, được cho có liên quan đến người phụ nữ tuẫn tiết theo chồng.

Đền thờ nàng Bình Khương nằm cách cổng phía đông thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) không xa. Ngôi đền cổ có tổng diện tích khoảng 600 m2, kiến trúc gồm tiền đường, hậu cung và khuôn viên cảnh quan.

Chị Đỗ Thị Xuân Thanh, cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ (ảnh), cho hay ngôi đền vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ 15 nhưng sau đó bị đổ nát, đến năm 1903 được Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh cho xây dựng lại. Truyền thuyết kể rằng, bà Bình Khương đã ba lần báo mộng cho Tổng đốc, lập đền thờ nơi bà mất. Hai lần đầu ông chỉ xem đấy là giấc mơ thường, đến lần thứ ba bà báo mộng sẽ phù hộ cho ông sinh được quý tử nếu làm điều bà muốn. Tổng đốc không có con trai, và kỳ lạ là sau khi xây xong đền thờ bà, vợ ông sinh quý tử.

Trải qua thời gian ngôi đền đã bị xuống cấp và đến tháng 12/2009 đền được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trùng tu tôn tạo, bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống. Di tích đền thờ nàng Bình Khương được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1995.

Phía sau hậu cung đền Bình Khương thờ một khối đá lớn linh thiêng mà dân trong vùng tin rằng đó là vết tích đập đầu kêu oan của nàng Bình Khương năm xưa. Phiến đá dài 2 m, rộng 1,5 m, trên mặt có một vết lõm to hơn đầu người, hai bên đều có hai vết hằn như dấu hai bàn tay của nàng chống xuống...

Huyền tích kể rằng cuối thế kỷ 14, việc dời đô gấp gáp bởi giặc Minh đang lăm le vượt qua ải bắc, khiến vua quan nhà Trần lo sợ. Năm 1397, để nhanh chóng dời đô từ Thăng Long về đất An Tôn, Hồ Quý Ly đã sai quân lính ngày đêm đào thành, đắp lũy. Việc khai thác, vận chuyển những phiến đá nặng hàng chục tấn rất gian khổ. Việc lắp ghép bức tường sừng sững cao đến 3-4 m mà không có máy móc hiện đại hay vôi vữa đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện.

Trong số người tham gia việc đốc công có Cống sinh Trần Công Sĩ. Viên quan này được Hồ Quý Ly giao nhiệm vụ giám sát, đốc thúc thi công bức tường thành phía đông, làm việc ngày đêm không nghỉ để đảm bảo tiến độ.

Thi công gấp rút, nhưng đoạn thành phía Đông do Trần Công Sỹ phụ trách cứ xây gần xong lại đổ, không rõ nguyên nhân. Nghi ngờ Trần Công Sỹ có mưu làm phản, cố ý chậm trễ công việc, Hồ Quý Ly tức giận hạ lệnh cho quân lính vùi thân chàng vào ngay vị trí bức tường thành bị đổ để răn đe.

Vợ chàng là nàng Bình Khương nghe tin chồng bị xử tội chết oan nên uất hận. Đau khổ tột cùng, nàng lao tới bức tường đá, lấy hết sức để xô đổ những tảng đá xây thành mong nhìn thấy xác người chồng vắn số. Kiệt sức nhưng bức tường thành không hề rung chuyển, Bình Khương đập đầu vào đá để được chết theo chồng. Phiến đá nơi nàng tuẫn tiết lõm một hố rất sâu như hình đầu người và hai vệt bàn tay cào xé.

Trên bức tường Thành nhà Hồ ngay sau đền thờ nàng Bình Khương hiện còn ngôi mộ và bia đá ghi danh viên quan đốc công Trần Cống Sinh. Nhiều người đến thăm tỏ lòng xót thương cho người phụ nữ thủy chung và từng có nhiều câu thơ ca ngợi tiết hạnh của nàng. Đền thờ nàng được lập tại đây.

Các tấm bia đá ghi lại huyền tích nàng Bình Khương tuẫn tiết kêu oan cho chồng được dựng quanh ngôi đền.

Theo sử sách, đến đời vua Đồng Khánh (triều Nguyễn), nghe đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá nên du khách đến rất đông. Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Nhưng đục xong, nhóm thợ mắc bệnh lạ rồi qua đời.

Tri phủ Đoàn Thước nghe tin lo sợ mới sai lính tìm và cho đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ, đồng thời sai thợ khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch" (đại ý tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống sinh, triều nhà Trần). Tri phủ cũng cho dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (nghĩa là nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).

Ban thờ ở tiền đường được trang trí sơn son thiếp vàng và những chữ Hán.

Ngôi đình có kiến trúc gỗ truyền thống, chạm trổ tinh xảo.

Theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ, hàng trăm năm nay, ngôi đền cổ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân trong vùng và du khách. Họ đến đây dịp giỗ Bình Khương (1/9 âm lịch) cũng như lễ Tết để dâng hương cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn cho gia đình...

Một góc tường thành phía đông, ngay cạnh đền thờ nàng Bình Khương được dựng từ cuối thế kỷ 14 bằng những phiến đá vuông vức, thẳng tắp mà không cần bất cứ chất kết dính nào.

Bên phải đền có một cái ao nhỏ rộng gần 200 m2, người dân địa phương cho hay dù nắng to hay hạn hán thế nào, ao cũng không bao giờ cạn nước.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

(Nguồn: Lê Hoàng, VnExpress, Thứ năm, 29/9/2022, 12:17 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc