Những ngôi nhà cổ rải rác trên sườn núi tại Tây Ban Nha tạo thành khung cảnh đẹp như bước ra câu chuyện cổ tích, giờ đây đang đối mặt với nguy cơ biến mất trong tương lai.
Nằm sâu trong các hẻm núi vùng Tây Bắc Tây Ban Nha, những ngôi nhà cổ xuất hiện hàng thế kỷ, rải rác trên sườn núi Ancares. Những ngôi nhà này tập hợp thành các làng nhỏ, cùng nhau chung sống và thổi hồn vào bức tranh lạnh lẽo, khắc nghiệt của vùng núi Galicia và Castile-León (Tây Ban Nha).
Nơi câu chuyện cổ tích bắt đầu
Với lối thiết kế độc đáo, lâu đời, những ngôi nhà tại đây mang trong mình vẻ đẹp không thể tìm thấy ở một vùng đất nào khác. Người dân ở đây gọi chúng là pallozas, được xây dựng để phù hợp với khí hậu núi cao khắc nghiệt tại Ancares.
Pallozars có thiết kế hình tròn và phần mái nhà được phủ bằng rơm từ lúa mạch đen. Ngoài ra, các tường, cột của ngôi nhà cũng được sử dụng từ đá granite, đá vôi hoặc đá phiến chính tại khu vực này. Với hình dạng tròn, ít cửa sổ và làm từ các khối đá lớn, các pallozars có tác dụng cản lực gió cũng như duy trì nhiệt độ trong nhà.
Ông Jaime Fernández Uria, người từng sinh ra và lớn lên tại làng Balouta, thuộc tỉnh León, chia sẻ: "Do khí hậu lạnh giá, mỗi nhà đều có một chiếc lò sưởi, đặt chính giữa nơi sinh hoạt chung của gia đình. Theo truyền thống, đây là nơi mọi người cùng nhau tụ tập, chia sẻ và ăn uống cũng như sinh hoạt cùng nhau. Gia đình tôi không khá giả, nhưng chúng tôi đã có những tháng ngày rất bình yên tại nơi đây".
Fernández cũng bày tỏ nỗi nhớ khi nhắc về những kỉ niệm khi lớn lên tại ngôi làng nhỏ này. "Gia đình tôi có ba thế hệ, cùng nhau sinh sống rất vui vẻ. Tôi lớn lên cùng những câu chuyện của ông nội. Ông ấy thật sự là một người tuyệt vời và rất hài hước. Tôi đã có những ký ức đẹp đẽ về những ngày xưa cũ khi ở đây. Tuy nhiên, mọi người dần rời đi và mẹ tôi là người cuối cùng sống trong ngôi nhà này đến năm 1984", ông kể thêm.
Duy trì palloza là một thách thức lớn
Mái nhà của palloza (hay còn gọi là teitor) chủ yếu làm từ lúa mạch đen. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, số lượng dân cư giảm, cùng với đó là sự khan hiếm của cây lúa mạch đen, khiến cho phần mái nhà bị xuống cấp nhanh chóng.
Điều này khiến người dân không khỏi đau đầu, đặc biệt là khi thợ sửa chữa mái nhà cũng dần ít đi và nghề này cũng trở nên mai một do nhu cầu thấp. Chi phí sửa chữa và cải tạo phần mái nhà cũng vì thế mà tăng cao hơn rất nhiều.
Bà Isolina Rodríguez López là một cư dân từng sống tại làng Piornedo. Bà là thế hệ thứ 6, cũng là thế hệ cuối cùng sống trong pallozas trước khi bà cùng chồng quyết định biến nơi đây thành bảo tàng vào năm 1989. Rodríguez cho biết mỗi năm ngôi nhà tiêu tốn khoảng 2.000-3.000 USD để tu sửa phần mái bị hư hỏng nghiêm trọng. “Chúng tôi phải làm mọi thứ, từ tự trồng cây cho tới thu hoạch. Nếu không, chi phí có thể độn lên rất nhiều”, bà chia sẻ.
Một chủ nhân của căn pallozas khác, bà Celia Alonso López, sống ở vùng lân cận cũng gặp vấn đề tương tự. “Phần mái nhà bị dột khi có mưa xuống. Để sửa chữa, tôi cần bỏ ra số tiền khoảng 50.000-60.000 USD và chắc chắn tôi không thể chi trả được nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền”, bà Alonso nói.
Đối mặt với chi phí sửa chữa cao ngất ngưởng, một số chủ nhà gần đó đã đưa ra giải pháp thay thế rơm từ lúa mạch đen bằng các tấm lợp kim loại. Điều đó là không ai muốn, song ở thời điểm hiện tại, đó là giải pháp tối ưu nhất và duy nhất họ có thể lựa chọn.
Bên cạnh đó, đứng trước vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, khu vực vùng núi Ancares cũng không phải là một ngoại lệ. Lượng mưa lớn hàng năm và khí hậu vốn khắc nghiệt nay lại còn khắc nghiệt hơn khiến cho việc duy trì và cải tạo lại cái pallozas thêm phần khó khăn.
Do đó, thời gian gần đây, người dân không còn sống trong các pallozas mà tận dụng chúng cho các mục đích thương mại khác như bảo tàng, nhà hàng, khách sạn... Các vật liệu tự nhiên cũng dần được thay thế bằng kim loại rẻ tiền để giảm thiểu tối đa chi phí cải tạo.
Thương mại hóa đồng nghĩa với việc hệ thống đèn, sưởi, quạt thông và các dịch vụ cần thiết cũng phải được lắp đặt. Với một khu vực đồi núi bao quanh là như Ancares, việc cải tạo để hiện đại hơn nhưng không ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh là một bài toán không dễ dàng.
Rồi đây, những ngôi làng cổ sẽ dần trở thành khu vui chơi - giải trí, câu chuyện cổ tích dần khép lại. Khi đó, bài toán gìn giữ bản sắc và bảo tồn thiên nhiên lại càng trở nên khó khăn hơn.
(Nguồn: Khánh Linh, Zingnews, Theo BBC Thứ năm, 10/11/2022, 08:12 (GMT+7))