Từ lâu, nhà thờ Tắc Sậy - Bạc Liêu đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng miền Tây sông nước, nhiều du khách hành hương đến Bạc Liêu cũng vì sự linh thiêng và lối kiến trúc độc đáo.
Đồng thời, họ cũng muốn tận “mục sở thị” mộ phần của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp, người đã tử vì đạo, hy sinh mạng sống để cứu lấy các giáo dân.
Nhà thờ Tắc Sậy tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Long, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Theo các giáo dân nơi đây, thuở ban đầu, nhà thờ Tắc Sậy chỉ là một ngôi thờ bán kiên cố, nhỏ hẹp, ít người biết đến và là một nhánh của họ đạo Bạc Liêu. Lúc này, thế sự nhiễu nhương, chịu nhiều biến cố nên nhà thờ bị xuống cấp và hư hại không ít.
Tuy nhiên, từ sự đóng góp của đồng bào Công giáo và du khách thập phương, qua nhiều lần trùng tu xây dựng mà nhà thờ mới được hoàn thiện như ngày hôm nay. Để đến nhà thờ Tắc Sậy, du khách có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô và thẩm chỉ bằng các phương tiện đường thủy để thưởng thức không gian sông nước hữu tình của xứ miền Tây Nam Bộ.
Khi nhìn bao quát từ xa, du khách sẽ thấy được nhà thờ mang lối kiến trúc độc lạ nhưng không kém phần uy nghiêm và vững chãi. Bên trong khuôn viên rộng lớn của nhà thờ Tắc Sậy là 03 phân khu chính, tương ứng với ba tòa nhà được xây dựng tách biệt.
Theo đó, nhìn từ hướng chính diện sẽ là khu vực thánh đường, nơi diễn ra các nghi lễ của đạo Công giáo; phía bên phải là nơi dành cho giáo dân và du khách nghỉ ngơi hoặc tạm trú lại nhà thơ (các dịch vụ hoàn toàn miễn phí).
Đặc biệt, phía bên trái thánh đường là nơi đặt mộ phần của của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp. Ngoài ra, không gian bên trong gian cung thánh và nơi đặt mộ phần linh mục Trương Bửu Diệp phần lớn được trang trí bằng các loại gỗ quý, các bức tượng thánh và tượng linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp được bày trí theo tin thần tín ngưỡng Công giáo, qua đó làm cho nơi đây thêm phần cổ kính, trang nghiêm và linh thiêng.
Ngoài vẻ đẹp được tạo ra từ lối kiến trúc độc lạ, nhà thờ Tắc Sậy còn được nhiều du khách phương xa biết đến vì sự linh thiên “cầu được ước thấy”. Theo những người dân sinh sống nơi đây, có nhiều trường hợp du khách hành hương đến nhà thờ để xin ơn và được ban ơn, “tiếng lành đồn xa” nên được nhiều người biết tới. Cũng vì lẽ đó mà bất kể khoảng thời gian nào trong năm, nơi đây luôn đông đúc giáo dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành hương, chiêm bái; đặc biệt là những ngày lễ của đạo Công giáo hay ngày giỗ linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp (ngày 12/3 dương lịch hàng năm).
Được biết, nhà thờ Tắc Sậy còn có tên gọi khác là nhà thờ Cha Diêp vì đây là nơi đặt mộ phần của linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp, vị linh mục được nhiều người biết đến do đã hy sinh mạng sống của mình để cứu lấy các giáo dân. Đồng thời, vị linh mục này được xem là người có công lớn trong sự phát triển của nhà nhờ như hiện nay.
Theo tư liệu được lưu giữ tại nhà thờ, linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp (SN 1897 tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) được cử về làm chánh xứ nhà thờ Tắc Sậy – Bạc Liêu vào năm 1930. Trong suốt khoảng thời gian nhận nhiệm sở tại nơi đây, ông được nhiều người yêu mến vì lòng tận tụy với đạo và yêu thương giáo dân hết mực.
Tuy nhiên, lúc bây giờ, do thế sự nhiễu nhương nên nhiều linh mục bề trên (thuộc họ đạo Bạc Liêu) và kể cả người Pháp đã khuyên ông nên lánh mặt, khi nào yên ổn thì trở về họ đạo. Nhưng linh mục Phanxico Xaviê Trương Bửu Diệp một mực khước từ và trả lời rằng: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”.
Thế nhưng đến năm 1946, ông và 70 giáo dân đã bị một nhóm người (không rõ lai lịch) bắt nhốt, lúc này ông đã nguyện chết thay để cứu lấy mạng sống cho các giáo dân. Cũng vì lẽ đó mà khi đến Bạc Liêu du lịch và ghé thăm nhà thờ Tắc Sậy, du khách sẽ được nghe nhiều câu chuyện kể về vị linh mục này, cũng như được tận “mục sở thị” mộ phân của ông.
Nếu như TP HCM có nhà thờ Đức Bà cổ kính hàng trăm năm tuổi hay Hà Nội có nhà thờ Lớn thì ở miền Tây nhất là đối với người dân Bạc Liêu, nhà thờ Tắc Sậy được xem là thánh đường linh thiên, điểm hành hương Công giáo nổi tiếng nhất nơi này.
(Nguồn: Long Vĩnh, Báo Pháp Luật Việt Nam, Thứ năm, 24/03/2022, 08:21 (GMT+7))