TST tourist

Nhiều chủ thuyền du lịch ở Cần Thơ sống lay lắt mong dịch Covid qua mau

  • Thứ 3, 28/09/2021, 15:09 GMT+7
  • 583 Lượt xem

Ngoài mất đi thu nhập do thuyền nhiều tháng nằm bờ, tài sản hư hao, xuống cấp, các tiểu thương ở bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) còn khốn đốn khi xoay xở tiền lãi vay đóng thuyền.

Từ cuối tháng 6 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hoạt động du lịch ở TP Cần Thơ gần như đóng băng, một số dịch vụ rơi vào tình trạng "chết lâm sàng".

Trước đó, từ đầu năm 2020 thì lượng khách đến Cần Thơ đã giảm sâu, cầm cự trong thời gian dài khiến nhiều tiểu thương trong lĩnh vực du lịch mất sạch khoản tiền tích lũy, gục hẳn sau cú đánh bồi.

Ở bến Ninh Kiều, hàng chục thuyền du lịch bình thường chở khách đi tham quan chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn và nhiều điểm du lịch khác của thành phố thì nay đã nằm bờ nhiều tháng.

Không chỉ mất thu nhập, thuyền nằm bờ cũng hư hao vì mưa nắng, có thuyền do lâu ngày không được kiểm tra, tràn nước bị chìm.

Mất nghiệp sau mùa dịch

Sở hữu đội thuyền 10 chiếc với mấy chục người làm công, từ chỗ là một trong những ông chủ lớn nhất ở bến Ninh Kiều thì nay anh Trần Tuấn (53 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều) đang rơi vào tình trạng bí bách, đời sống chật vật.

1_13Ông Trần Tuấn, chủ của 10 chiếc thuyền du lịch ở bến Ninh Kiều đang rất khó khăn khi không có thu nhập để trả lãi cho khoản vốn vay đóng thuyền - Ảnh: Nguyễn Cường

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, anh Tuấn đã gom tiền tích cóp bao nhiêu năm, lại vay thêm khoản lớn để đóng mới 10 thuyền du lịch, mỗi thuyền trị giá xấp xỉ 800 triệu đồng.

Để hoạt động được, ông đã ký hợp đồng thuê bến đỗ dài hạn, ký hợp đồng hợp tác lâu dài với các công ty lữ hành, các địa điểm du lịch.

Rồi dịch bệnh ập đến, thuyền phải nằm bờ, mất thu nhập, tiền hợp đồng phải hồi lại cho người ta, nhưng tiền lãi vay đóng thuyền thì đều đặn vẫn phải trả.

Không còn thu nhập nào, không còn tiền dự trữ, tài sản đã dồn vào thuyền nay bán cũng không có người mua, từ chỗ có điều kiện qua một mùa dịch ông Tuấn bỗng trở nên khánh kiệt.

2_9Các tiểu thương sở hữu thuyền du lịch ở bến Ninh Kiều ít nhiều đều vay mượn vốn để làm ăn, dù thuyền nằm bờ nhưng tiền lãi vẫn phải trả nên khó càng thêm khó - Ảnh: Nguyễn Cường

"Mình tính làm ăn lâu dài, ai ngờ đóng thuyền xong thì dịch đến. Người làm họ nghỉ, ai về nhà nấy, chỉ còn 2 vợ chồng ở lại bến canh thuyền, ngày nào cũng chờ xin đồ từ thiện để ăn.

Khó khăn lắm, không trụ nổi, không biết bao giờ lại có khách. Thuyền giờ có khách mua giá 300 triệu đồng hay 400 triệu đồng tôi cũng bán, lỗ cũng bán mà trả nợ chứ gồng lãi không nổi nữa", anh Tuấn chua xót nói.

Trong thuyền, chị Nguyễn Thị Bé Hai (40 tuổi, vợ anh Tuấn) đang nhặt rau để nấu bữa tối. Vợ chồng chị phải ở trên thuyền để canh giữ và bảo quản tài sản, cũng không được đi lại do giãn cách xã hội nên chẳng thể lên bờ.

3_6Ghế ngồi bọc da trên thuyền du lịch lâu ngày không có "hơi người" đang xuống cấp nghiêm trọng, thuyền tập trung lại một chỗ để tránh tác động từ mưa nắng - Ảnh: Nguyễn Cường

Sống chật vật, đếm từng ngày trông dịch qua mau

Không tiền để đóng thuyền to như vợ chồng anh Tuấn, vợ chồng chị Lê Thị Đ. (41 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đi ghe nhỏ trên sông đưa rước khách cũng rơi vào cảnh chật vật.

Chị Đ. cho biết, bao năm qua sống bằng nghề thuê ghe để chở khách du lịch ngang sông kiếm lời. Nguyên năm 2020 làm không đủ ăn, vợ chồng chị phải vay nặng lãi 20 triệu đồng để chi phí cho tiền thuê nhà, thuê đò. Từ khi dịch bùng phát, vợ chồng chị Đ. mất hẳn thu nhập, số nợ lại đội lên cao.

4_7Các tiểu thương ở chợ nổi đều mong dịch qua mau để khởi động lại thuyền, đưa đón khách - Ảnh: Nguyễn Cường

"Có khách thì mỗi ngày để ra được 300 nghìn đồng, vừa đủ tiền ăn, tiền nhà. Nhưng rồi vắng khách, cứ mỗi tháng âm một ít, thế là phải vay để bù vào, dồn dần thành một khoản lớn. Nhà đi thuê, không có tài sản gì thế chấp nên đành phải vay tín dụng, chịu lãi cao.

Trước đây, tiền thuê ghe là 3 triệu đồng/tháng. Giờ ghe nằm yên tại bến nhưng vẫn phải đóng tiền thuê, chủ người ta giảm cho một nửa. Không đóng tiền thuê thì sau này người ta không cho thuê nữa", chị Đào kể.

Dịch Covid-19, không chỉ vợ chồng anh Tuấn hay gia đình chị Đào khốn khó mà đại đa số những người làm nghề du lịch ở chợ nổi Cần Thơ đều rơi vào cảnh khó khăn.

Theo đại diện ngành du lịch Cần Thơ, quãng thời gian này các chủ tàu, thuyền du lịch gặp khó khăn là có thật, bởi thời gian qua do dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch nên ngành du lịch cũng phải ngừng hoạt động.

"Khi địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, ngành cũng sẽ có phương án để tái kích cầu, thu hút khách và lúc đó các dịch vụ sẽ được hoạt động trở lại", vị lãnh đạo này cho biết.

Được biết, tại bến Ninh Kiều có tổng cộng 10 tàu du lịch cỡ lớn (có phòng để khách lưu trú) và 148 tàu du lịch vận chuyển không có phòng lưu trú đều đang đậu tại bến trong tình trạng chưa biết ngày nào sẽ được đón khách.

(Nguồn: Nguyễn Cường, Dân Trí, Thứ ba, 28/09/2021, 07:45 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc