Một số địa điểm du lịch, di tích lịch sử như: Chiến khu Rừng Sác, khu du lịch Vàm Sát, khu du lịch Phương Nam, Đảo khỉ... tại huyện Cần Giờ đang gấp rút dọn dẹp, chuẩn bị đón đoàn khách đầu tiên.
Từ 16-30/9, huyện Cần Giờ dự kiến mở lại nhiều điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử sau hơn 3 tháng ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người dân TPHCM có thể đăng ký đi theo tour nếu có thẻ xanh vắc xin (người dân phải được tiêm 2 mũi vắc xin) và đảm bảo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Khu du lịch sinh thái Vàm Sát thuộc tiểu khu 15A, địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (trực thuộc công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Phú Thọ) chuẩn bị tái khởi động sau nhiều tháng tạm dừng đón khách do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hơn ba tháng ngưng hoạt động, con đường bê tông dẫn từ bến tàu lên tháp Tang Bồng bên trong khu du lịch cũng phủ rêu xanh.
"Tuy ba tháng qua chúng tôi tạm ngưng hoạt động du lịch nhưng vẫn duy trì nhân sự trong công tác bảo vệ rừng. Chính vì như thế khi du lịch tái khởi động thì chúng tôi vẫn đảm bảo nhân sự. Ba sản phẩm chính của khu du lịch Vàm Sát là: Đầm Dơi, câu cá sấu, Tràm Chim. Ảnh hưởng dịch, tour ngày 19/9 tới chúng tôi chỉ phục vụ 100 khách, ngày bình thường là 200 khách. Các công ty du lịch vẫn liên hệ với chúng tôi để lên sản phẩm bán cho du khách", bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Giám đốc khu du lịch Vàm Sát cho biết.
Để chuẩn bị cho công tác tái khởi động ngành du lịch, lãnh đạo khu du lịch đã cho nhân viên phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh các khu dịch vụ. Đoàn khách đầu tiên sẽ đến với Cần Giờ là lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, do UBND TPHCM chiêu đãi.
Ngưng hoạt động lâu nên một số dịch vụ phụ tại đây cũng hư hỏng, xuống cấp.
Chuyên môn chính của anh Nguyễn Thành Chiến là bảo vệ rừng và chăm sóc cây cảnh trong khu du lịch Vàm Sát.
"Những ngày khu du lịch không hoạt động thì mình canh gác, tuần tra bảo vệ rừng. Nghỉ ba tháng nên nhớ công việc tại khu du lịch lắm. Hôm nay, tôi vô cắt tỉa lại một số cây xanh cho gọn gàng", anh Chiến nói.
Để lâu không hoạt động, đường ống bơm dung dịch sát khuẩn của chiếc máy rửa tay tự động bị rò rỉ nên nhân viên phải sửa chữa lại kịp phục vụ đoàn khách.
Anh Võ Văn Thành cũng vừa từ chốt gác rừng qua khu du lịch kiểm tra lại máy móc của dàn xe điện chở khách.
"Trước khi đưa vào bãi mình rút xăng, tháo dây điện bình hết để đề phòng cháy nổ. Giờ phải chạy khởi động để đảm bảo máy trơn tru khi đưa vào phục vụ khách", anh Thành nói.
"Lâu ngày không sử dụng, xe bị bám bụi, xịt rửa và lau chùi xong các xe trở nên rất đẹp để chuẩn bị đón khách", anh Thành chia sẻ thêm.
Tại khu vực đầm sấu, ông Lý Minh Sỹ đang cho những chú cá sấu của mình khởi động lại các bài tập đớp mồi câu sấu là một dịch vụ độc đáo của khu du lịch thu hút du khách yêu "cảm giác mạnh" đến trải nghiệm.
Ngồi kiểm tra lại máy móc của chiếc cano chở khách đi câu cá sấu, ông Sĩ nói: "Tôi làm ở đây cũng lâu nhưng chưa bao giờ thấy trận dịch nào khủng khiếp như thế này. Công việc của tôi là chăm sóc đàn khỉ và đàn sấu nên cũng không ảnh hưởng lắm, vẫn duy trì suốt mùa dịch".
Nằm trong 4 điểm đến trong tour khép kín phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch, resort Phương Nam-Cần Giờ (ngụ tại xã Long Hòa) phục vụ ăn cho đoàn. Nhân viên buồng phòng tiến hành lau dọn, trải chăn, ga, sẵn sàng phục vụ tốt khi đi vào hoạt động.
"Khoảng thời gian đầu bùng phát dịch chúng tôi có dành một khu riêng để cách ly người nhập cảnh không có thu phí. Một số nhân viên phải nghỉ không lương suốt mấy tháng", đại diện khu resort Phương Nam cho biết.
Chị Trần Thị Kim Bằng đang căng chỉnh tấm trải giường tâm sự: "Tối qua thức tới 1 giờ sáng vì mừng khi nghe quản lý gọi điện đi làm. Hơn ba tháng nghỉ không lương buồn lắm, phần vì nhớ nghề, phần vì không có thu nhập. Tôi may mắn đã được tiêm hai mũi vắc xin nên cũng yên tâm khi quay lại công việc".
(Nguồn: Phạm Nguyễn, Dân Trí, Thứ sáu, 17/09/2021))