Sau 3 năm phải hoãn vì đại dịch Covid-19, cùng với việc mở lại biên giới, Nhật Bản cũng chào đón khách du lịch với những màn pháo hoa.
Pháo hoa nổ thành bông tiếng Nhật gọi là hana (hoa). Hoa được tạo ra bởi lửa (bi). Kể từ năm 1733, hanabi - lễ hội pháo hoa đã xuất hiện ở Nhật Bản. Suốt 300 năm qua, từ giữa mùa hè đến mùa thu, hanabi lại được tổ chức, tạo ra một dấu ấn văn hoá.
Trong gần 200.000 lễ hội được người Nhật tổ chức mỗi năm thì hanabi thu hút nhiều khán giả nhất. Năm 2022, sự kiện này được chờ đợi hơn bởi đây là lễ hội đầu tiên sau Covid-19. Những hình ảnh của hanabi 2022 qua ống kính của Thạch Long - một du học sinh người Việt tại Nhật Bản.
Lý do người Nhật bắn pháo hoa khá đặc biệt. Năm 1732, đại dịch tả cướp đi sinh mạng của 900.000 người. Trước sự mất mát lớn, áp lực đổ lên vai nhân vật lãnh đạo Nhật thời đó: vị tướng (shogun) Tokugawa Yoshimune. Để lòng dân được yên, shogun này quyết định cho bắn pháo hoa dọc lưu vực sông Sumida (ban đầu lễ hội Hanabi được gọi là Sumida River Firework Festival). Kể từ đó, hanabi trở thành lễ hội truyền thống, thu hút một lượng khán giả lớn kéo tới xem.
Mặc yukata và xem pháo hoa từ lâu đã trở thành một trải nghiệm văn hoá rất hút các du khách tới Nhật du lịch. Giá để thuê yukata ở Nhật tương đối đa dạng. Nếu đặt trước, giá để thuê một bộ yukata sẽ từ 3.000 yên, ngoài ra thêm 1.500 yên nếu muốn sử dụng thêm dịch vụ làm tóc.
Khoảng 14h mỗi ngày, gần khu vực bắn pháo hoa, các sạp hàng bán đồ ăn đường phố và tổ chức một số trò chơi truyền thống như vớt cá, bắn súng nhận thưởng… đã xuất hiện, thu hút một lượng người rất lớn. Giá cả các mặt hàng gần như được niêm yết trên toàn nước Nhật. Ví dụ một cốc nước ngọt có giá 400 yên, một xiên thịt có giá 500 yên.
19h30 lễ hội hanabi mới diễn ra nhưng người dân đã "xí" chỗ bằng cách đặt một chiếc ghế hoặc chân máy ảnh từ sớm. Người Nhật rất lịch sự. Khu vực nào đã được chọn, thậm chí chỉ bằng một chiếc ghế nhỏ, họ cũng sẽ chủ động tìm một chỗ khác.
Đa phần người tới xem pháo hoa đều chủ động chuẩn bị đồ ăn từ nhà. Tuy nhiên, cũng không ít người muốn trải nghiệm cảm giác đi lang thang các sạp hàng để mua những xiên thịt, xiên mực nướng rồi tìm một chỗ trống để thưởng thức.
Ở Kyoto, lễ hội hanabi diễn ra ở một vùng nông thôn rất rộng và đẹp. Bạn sẽ mất khoảng 30 phút đi tàu từ trung tâm. Sau khi rời khỏi ga, các nhân viên lễ hội sẽ hướng dẫn bạn rất chi tiết vị trí đứng hoặc khu vực có các sạp bán hàng.
Theo Japan Travel, người Nhật sử dụng 14 loại kích cỡ pháo hoa khác nhau, từ loại nhỏ nhất chỉ 6 cm đến loại được coi là lớn nhất thế giới lên tới 120 cm. Trung bình mỗi đêm bắn có tới gần 4.000 quả pháo hoa được sử dụng, tạo nên một lễ hội ánh sáng rực rỡ.
Quả pháo hoa cuối cùng thường là màn trình diễn hoành tráng nhất, choáng ngợp nhất. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của rất nhiều người đã xem pháo hoa nhiều năm thì nếu nán lại chứng kiến quả pháo cuối cùng, cơ hội bạn phải xếp hàng từ 1-3 tiếng ở ga tàu là rất lớn. Người Nhật thường mách nhau rời khỏi khu vực xem pháo hoa trước khoảng 10 phút. Bởi dù đứng cách xa 1-2 km vẫn có thể nhìn thấy quả pháo cuối cùng.
Theo thống kê, trung bình mỗi đêm bắn pháo hoa, số lượng người kéo tới dự khán lên tới 50.000-70.000 người. Sẽ có hai hình thức xem bắn pháo hoa. Có khu vực miễn phí và thường rất đông, Khu vực phải mua vé cũng chia ra làm 3 hạng ghế, với giá tăng dần. Rẻ nhất là vé 1.000 yên cho đến những tấm vé trên 10.000 yên.
Sau khi quả pháo hoa cuối cùng được bắn lên, một lễ hội khác sẽ bắt đầu. Vào thời điểm này các sạp hàng sẽ thắp đèn và đồ ăn cũng đa dạng hơn. Để tránh cảnh chen chúc ở các ga tàu, giới trẻ thường chọn ghé thăm các sạp hàng sau khi tan hội.
(Nguồn: Thạch Long, VnExpress, Thứ hai, 10/10/2022, 15:08 (GMT+7))