Bên cạnh số lượng khách du lịch ghé thăm mỗi năm, còn có nhiều yếu tố đánh giá sự nổi tiếng của một thành phố trên thế giới.
Những yếu tố cơ bản thường được các chuyên gia phân tích, đánh giá là cơ sở hạ tầng, tính bền vững và tính kinh tế; cách chính quyền thành phố đối phó với những thách thức trong việc thu hút và cung cấp chỗ ở cho khách du lịch trong khi vẫn duy trì chất lượng cuộc sống cho người dân; cuối cùng là hiệu quả trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor có trụ sở tại Anh là đơn vị luôn công bố đánh giá về "100 Thành phố Hàng đầu Thế giới" hàng năm, dựa theo số lượng khách quốc tế.
Nhưng sau khi đại dịch bùng phát, danh sách năm nay đã được thay thế bằng "Chỉ số đánh giá mới" nhằm so sánh mức độ hấp dẫn của 100 thành phố trên toàn thế giới dựa trên sáu trụ cột hoạt động và các báo cáo mới nhất từ dữ liệu thu thập được trong năm 2021.
Quay trở lại năm 2019, những vị trí dẫn đầu danh sách được thống trị bởi nhiều cái tên tới từ châu Á như Hong Kong (Trung Quốc) hay Bangkok (Thái Lan). Nhưng trong danh sách năm 2021 mới được Euromonitor công bố, châu Âu có tới 8 đại diện nằm trong top 10.
Giống như bảng danh sách được công bố trong những năm trước đại dịch, chỉ số năm 2021 là một bản tóm tắt sơ lược về tình hình của các thành phố theo thời gian. Năm ngoái, nhiều nơi trên thế giới đã dần ổn định trở lại sau cuộc khủng hoảng toàn cầu. Một số thành phố quyết định mở cửa nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Danh sách năm tới được dự đoán sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi, trong bối cảnh sự phục hồi sau đại dịch đang diễn ra vô cùng nhanh chóng.
Dưới đây là những thành phố được coi là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới trong thời đại dịch.
Paris dẫn đầu thế giới
Paris được mệnh danh là "thành phố hấp dẫn nhất thế giới" năm 2021. Thủ đô của nước Pháp cũng xếp hạng cao nhất trong trụ cột "hoạt động du lịch" và đứng thứ hai về "chính sách du lịch và cơ sở hạ tầng".
Euromonitor cho biết Paris được hưởng lợi từ sự trở lại của khách du lịch tới từ Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, thành phố này lại được đứng ở thứ hạng tương đối thấp về sức khỏe và an toàn khi theo báo cáo của Euromonitor thì "bất chấp những nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng thì nhiều người dân Paris vẫn nói không với vaccine".
Pháp là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Tính đến đầu tháng này, nước này đã ghi nhận tổng cộng gần 27 triệu trường hợp nhiễm bệnh.
Dubai luôn ở thứ hạng cao
Dubai là thành phố giữ vị trí "quán quân" năm 2020 và đứng thứ hai trong danh sách năm 2021 của Euromonitor. Đây cũng là thành phố duy nhất tới từ một thị trường du lịch mới nổi của thế giới lọt vào top 10.
Điểm đến nổi tiếng ở UAE này đã có một khởi đầu thuận lợi khi quyết định mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế từ tháng 7 năm 2020. Và năm ngoái, thành phố này cũng đã tổ chức thành công triển lãm Expo2020 sau một năm bị trì hoãn vì dịch bệnh.
Dubai xếp thứ tư toàn cầu trong trụ cột hiệu suất "sức khỏe và an toàn", nhờ vào các lệnh kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt do chính phủ đưa ra.
Tính đến tháng 4 năm 2022, hơn 98% dân số Dubai đã được tiêm phòng đầy đủ và đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc ở những nơi công cộng trong nhà.
Sự vươn mình của Amsterdam
Amsterdam, một thành phố nhỏ nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng du lịch quá mức, là cái tên đứng thứ ba trong danh sách năm 2021.
Thủ đô của Hà Lan hiện đang áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giải quyết nạn du lịch quá mức. Euromonitor ca ngợi dự án giám sát đám đông Public Eye, sử dụng công nghệ AI để giúp điều hướng dòng người lớn và giảm tắc nghẽn.
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc Amsterdam, cùng với Barcelona và Oslo, đã "thực hiện các biện pháp để giảm chỗ đậu xe hơi", cũng như phát triển "cơ sở hạ tầng xe đạp rộng rãi để cách mạng hóa mạng lưới giao thông của họ và tạo ra một môi trường đáng sống và dễ hòa nhập hơn".
Euromonitor cho biết, mức độ tăng trưởng dân số, tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện và thu nhập tăng cho thấy thành phố đang hoạt động đầy hiệu quả và đó là lý do vì sao Amsterdam đứng thứ sáu trong trụ cột kinh tế toàn cầu.
Những đại diện khác
Madrid là thành phố đứng thứ tư trên bảng xếp hạng chung và đứng số 1 thế giới về trụ cột hiệu suất "bền vững". Thủ đô của Tây Ban Nha cũng đứng thứ ba về "chính sách du lịch và sức hấp dẫn".
Nhờ việc Tây Ban Nha nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh đối với một số thị trường lớn, Barcelona cũng đã tăng sáu bậc lên vị trí thứ 10 trong năm 2021.
New York là thành phố xếp hạng cao nhất của Mỹ, ở vị trí thứ 7 chung cuộc. Thành công này được thúc đẩy bởi du lịch trong nước, trong khi Orlando (thứ 22) và Las Vegas (thứ 28) cũng đã dần cải thiện được thứ hạng.
Singapore xếp hạng cao nhất trong trụ cột "kinh tế và hiệu quả kinh doanh", mặc dù thành phố này chỉ đứng ở vị trí thứ 24 trên bảng xếp hạng chung.
Euromonitor cũng chỉ ra tác động của tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao cùng chính sách "sống chung với Covid" của Singapore cho hiệu quả hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận "Không Covid" của một số điểm đến khác ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Dublin là thành phố xếp hạng cao nhất về chính sách du lịch và sức hấp dẫn và đứng thứ 16 trên bảng xếp hạng chung.
Euromonitor cho rằng điều này là do thủ đô Ireland cũng đã nhanh chóng mở cửa cho khách du lịch Mỹ từ giữa năm 2021, không giống các nước láng giềng như Vương quốc Anh. London đã tụt 3 bậc trong bảng xếp hạng tổng thể vào năm 2021, xuống vị trí thứ 8.
Tuy nhiên, London là "quán quân" về cơ sở hạ tầng du lịch. Báo cáo chỉ ra hệ thống giao thông công cộng toàn diện của thủ đô nước Anh với sáu sân bay thương mại và "vị thế vững chắc về văn hóa, giải trí, cũng như các dịch vụ giáo dục."
Top 10 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2021 của Euromonitor
1. Paris
2. Dubai
3. Amsterdam
4. Madrid
5. Rome
6. Berlin
7. New York
8. London
9. München
10. Barcelona
(Nguồn: Đỗ An (Theo CNN), Vietnam net, Chủ nhật, 17/04/2022, 06:15 (GMT+7))