Mùa xuân đến cũng là thời điểm rất thích hợp để đi thật xa, ngắm nhìn dải ngân hà lấp lánh vắt qua bầu trời ở khắp mọi nơi trên dải đất chữ S.
Dải Ngân Hà, Sông Ngân hay còn gọi là Milky Way, là một dải sáng có màu trắng sữa vắt ngang bầu trời đêm. Kéo dài từ chòm sao Tiên Hậu (Cassiopeia) ở phía bắc đến chòm sao Nam Thập Tự (Crux) ở phía nam, và sáng nhất ở chòm sao Nhân Mã (Sagittarius) - trung tâm của dải Ngân Hà.
Thông thường, dải Ngân Hà xuất hiện quanh năm trên bầu trời. Tuy nhiên ở Việt Nam, thời điểm có thể chiêm ngưỡng và chụp được thuận lợi nhất là vào tháng 3 đến tháng 10, vào những ngày trời trong không trăng, không dính mây mù và mưa. Dải Ngân Hà sẽ mọc ở hướng đông nam trong khoảng 1-3h sáng.
Địa điểm “Chạm vào sao Mộc” tại khu vực đồi cỏ hồng, Đà Lạt vào lúc 3h sáng - Ảnh: Bùi Xuân Việt
Địa điểm có thể ngắm được dải Ngân Hà sẽ là những nơi cách xa vùng ô nhiễm ánh sáng như vùng ngoại ô, vùng biển, vùng núi cao…Hầu hết những ánh đèn nơi đô thị sẽ làm lu mờ ánh sáng của dải Ngân Hà, khiến chúng ta không thể quan sát được.
Đồi chè trái tim Mộc Châu, Sơn La khi về đêm cũng linh linh, rực rỡ không kém - Ảnh: Trần Văn Linh
Thác hang Én (hay thác K50) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’Bang, Gia Lai trở nên huyền bí, ảo diệu hơn khi có dải Ngân Hà "vắt" phía sau - Ảnh: Nguyễn Trọng Đợi
Để săn được những bức ảnh chụp dải ngân hà, đòi hỏi phải có một chiếc máy ảnh tương đối chất lượng với chế độ khử noise tốt để bức ảnh được trong hơn, đỡ nhiễu hơn; chiếc lens góc rộng với độ mở ống kính lớn để có thể ôm hết được vùng ngân hà chạy dài và thu được lượng ánh sáng tốt hơn.
Bên cạnh đó là kỹ thuật chụp phải phơi sáng lâu tầm 15-30 giây để có thể có một bức hình đẹp. Nhiều người phải thức cả đêm mới có thể săn được những khoảnh khắc rực rỡ, lấp lánh nhất.
Đồi chè Long Cốc, địa điểm lý tưởng để vừa cắm trại qua đêm, vừa săn Ngân Hà - Ảnh: Trần Văn Linh
(Nguồn: Thùy Chi, Vietnam net, Thứ sáu, 03/03/2023, 06:25 (GMT+7))