Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2072 về việc tổ chức bảo tồn Lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số, năm 2022. Theo đó, sẽ tổ chức bảo tồn, phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Giang, Phú Thọ. Cụ thể có 5 lễ hội được bảo tồn, phục dựng để giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.
Tết cơm mới của dân tộc Giáy
Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới là nghi lễ quan trọng của đồng bào vùng cao. Được xem như là một đại lễ giống như dịp Tết Nguyên đán của người Kinh, lễ hội Tết cơm mới thường kéo dài khoảng vài ba tuần trước khi bước sang mùa gặt tháng 10. Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội Tết cơm mới của dân tộc Lào Cai chính là nghi lễ "đón hồn lúa mới". Ngày gia đình ăn Tết cơm mới, toàn bộ thóc gạo cũ của gia đình đều được đem cất đi, nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ với ý nghĩa để đón hồn lúa mới về đầy nhà, thay thế mùa vụ cũ.
Lễ hội Mường Đòn
Ở Thanh Hóa còn có lễ hội Mường Đòn. Theo truyền thống, cứ vào các ngày từ 17 - 19 tháng giêng hằng năm, người dân Mường Đòn ở các thôn Vân Phú, Vân Phong, Vân Tiến, Vân Đình, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) lại tổ chức Lễ hội Mường Đòn. Phần lễ được cử hành trang nghiêm, chủ tế khẩn thỉnh Thành hoàng làng Vũ Tướng quân rồi đọc bài văn tế ca ngợi công trạng của ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết, mọi nhà được ấm no, quê hương bình yên. Phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hát đúm, hát xường, hát giao duyên... và các trò chơi dân gian và thể thao như: kéo co, đánh mảng, đấu vật, ném còn, bóng chuyền... diễn ra thâu đêm, suốt sáng.
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn
Nhảy lửa là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, thường được tổ chức vào ngày 16.10 (âm lịch) hằng năm khi mùa màng đã thu hoạch xong. Theo truyền thống, Nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, rồi thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng - Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi.
Tết cơm mới của dân tộc Mường
Ngày xuân của người Mường thực sự bắt đầu từ ngày 24 (ngày đóng cửa rừng) hoặc ngày 27 tháng chạp (ngày sửa sang mồ mả, mời tổ tiên về ăn tết và trồng cây nêu). Ngày này, khắp các bản làng của người Mường ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ rộn ràng âm thanh của tết. Trong đó sẽ có nhiều lễ hội của người Mường dịp này...
(Nguồn: An Yến, Thanh Niên, 19:41 - 19/09/2022)