Đền Trần Thương nằm trên thế đất nơi 6 dòng sông nhỏ chụm đầu gọi là “lục đầu khê”. Nhờ đó, Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này là một trong 6 địa điểm cất giữ kho lương vào năm 1285.
Đây là thế đất "Hình nhân Bái Tướng" trong thế "Ngọa Nhân mỹ", là người phụ nữ đẹp nằm phục bái Thần tướng, hay “Ngũ mã thất tinh” là 5 mã chầu ở nghi môn ngoại và nội - Thất tinh là 7 ngôi sao (Bắc Đẩu) chiếu về như Nam Tào, Bắc Đẩu, sao Văn Xương tinh, thủy tinh, mộc tinh, kim tinh, địa tinh.
Trần Thương nằm trên thế đất nơi 6 dòng sông nhỏ chụm đầu gọi là “lục đầu khê”. Do đó, Trần Hưng Đạo chọn khu vực này là một trong 6 địa điểm cất giữ kho lương vào năm 1285. Tương truyền năm xưa, trong cuộc chiến của quan quân nhà Trần chống Nguyên Mông lần 2, khi chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương tổ chức khao quân và dân mừng chiến thắng.
Chữ Thương trong tiếng Hán cổ có nghĩa là kho lương thực, vì thế Trần Thương có nghĩa là kho lương của nhà Trần. Ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa, 15 gian, chia thành ba cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, năm giếng… tạo nên những nét độc đáo ít nơi nào giống được.
Sau khi Hưng Đạo Đại vương qua đời năm 1300, để tưởng nhớ công ơn của ngài, nhân dân Trần Thương thờ phụng ngài tại khu kho lương cũ. Vào thời hậu Lê năm 1783, ngôi đền được chính thức xây dựng và trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Điểm đặc biệt, đền Trần Thương có 5 giếng nước. Hai giếng lớn phía nam có tên là giếng nhũ không bao giờ cạn, hai giếng phía bắc gọi là hai giếng nhĩ như hai cái tai.
Cùng với các giá trị về lịch sử, quân sự, đền Trần Thương còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, có kiến trúc độc đáo theo tư duy phong thủy. Không gian tổng quan là sự kết hợp hài hòa giữa phong thủy hữu tình với trời mây, sông nước. Ngay giữa nhà tiền đường và cung đệ nhị là một cái giếng được gọi là giếng khẩu (miệng), là trung tâm của ngôi đền. Vị trí này nước luôn giữ ở chừng mực, không đầy hơn cũng không cạn đi.
Tầng trên là gác chuông tám mái treo một quả chuông lớn dùng để truyền tín hiệu ra xung quanh. Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong, cung đầu tiên là cung Đệ Tam, là nơi thờ Ban Công Đồng và Quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách.
Cung Đệ Tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn.
Đền có cửa chính cao hai tầng, tầng dưới uốn thành hình vòm trang trí hoa văn xung quanh.
Phía nam của giếng khẩu chính là cửa của một hầm ngầm nơi có hai con nghê đá đứng canh cửa hầm. Người ta tìm thấy trong hầm có choé sứ, than củi hay vỏ trấu.
Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính.
Theo một nhà nghiên cứu, giữa đền có một cái hố (giếng) là một dấu chỉ đặc biệt. Cũng có một số đền có kiểu cấu trúc như vậy nhưng đó là những đền theo Lão giáo.
Các cung bên trong đền có Đệ Nhất (hay còn gọi là Cung Cấm) với ban giữa thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài và Đệ Nhị là nơi thờ gia nô công thần như Yết Kiêu, Dã Tượng. Tại đây những bức họa bát tiên hay tùng, cúc, trúc, mai được chạm khắc công phu.
Tiền đường là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân chúng, nơi đó có treo các sắc phong và những hoành phi câu đối với ý nghĩa nguyên bản, phía trước có các hàng chữ tượng hình mang ý nghĩa bí ẩn.
Bên trong đền còn lưu trữ hàng trăm cổ vật có giá trị nghệ thuật cao và phong phú về thể loại như tượng thờ, bát bửu, 38 đạo sắc phong, hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá… Đặc biệt thanh kiếm bạc vỏ đồi mồi có từ thời Đức Thánh Trần truyền lại hàng năm được đem ra lau chùi để bảo quản.
Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là Di tích Quốc gia đặc biệt.
(Nguồn: Hoàng Hà, Vietnam net,Thứ bảy, 04/03/2023, 07:38 (GMT+7))