Người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới vừa bước sang năm mới Nhâm Dần tính theo Âm lịch. Đây cũng là dịp lễ quan trọng và mang đậm tính truyền thống với các gia đình châu Á.
Trang web Dịch vụ Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ giải thích: "Tết Nguyên đán thường được bắt đầu vào tuần trăng non thứ hai sau ngày Đông chí và rơi vào khoảng từ 21 tháng Một đến 19 tháng Hai theo Dương lịch được sử dụng ở nhiều nước phương Tây”.
Với cộng đồng người châu Á, đây là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Nhiều phong tục độc đáo và đặc sắc cũng thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán với niềm hy vọng sẽ có một năm mới bình an, đủ đầy.
Ăn những món tượng trưng cho 'may mắn'
Theo Viện Weatherhead Đông Á, Đại học Columbia, New York (Mỹ), Tết Nguyên Đán là dịp các gia đình chuẩn bị nhiều món ăn khác nhau tượng trưng cho may mắn và tài lộc, chẳng hạn như ở Trung Quốc là "huasheng" (đậu phộng) hay "zao"(chà là).
Hai loại đồ ngọt phổ biến thường được ăn trong dịp Tết Nguyên đán ở quốc gia đông dân nhất thế giới là "zaogao" (một loại bánh làm từ quả chà là) và một loại bánh gạo được gọi là "niangao".
Đậu phộng được người Trung Quốc coi là tượng trưng cho sự sung túc con cái và trường thọ. Ngoài ra, trong tiếng Trung từ "gao" có nghĩa là bánh còn đồng âm với từ "lên cao", "thăng tiến". Do đó, theo Viện Weatherhead, khi "gao" đi cùng từ "nian" (năm), thì điều này đồng nghĩa với thành ngữ "thăng tiến lên theo từng năm".
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, món ăn chủ yếu trong ngày Tết Nguyên đán (Seollal) là món súp bánh gạo mặn gọi là "Ddeokguk" (hay còn được gọi là "Tteokguk"), được làm bằng các lát bánh gạo trắng dài, hình sợi, nấu cùng thịt bò và trứng trong nước dùng.
Những lát bánh cốm có hình đồng tiền tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Trong khi hình sợi dài của bánh gạo tượng trưng cho sự trường thọ. Tiến sĩ Sook-ja Yoon, người sáng lập và giám đốc Viện Ẩm thực truyền thống Hàn Quốc ở Seoul cho biết: "Màu trắng của bánh gạo theo truyền thống Hàn Quốc còn biểu thị sự tinh khiết và một khởi đầu mới".
Ở Việt Nam, một số món ăn tiêu biểu trong ngày Tết Nguyên đán thường là canh măng nấu chân giò, canh mướp đắng và thịt gà luộc. Ngoài ra, trên bàn thờ gia tiên, người dân miền Nam thường chuẩn bị mâm ngũ quả với năm loại quả quan trọng nhất là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung cùng ước mong năm mới gia đình sẽ được đủ đầy và sung túc.
Tổ chức mừng thọ
Ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc, người dân thường tính theo tuổi Âm (cộng thêm một tuổi so với tuổi Dương lịch). Vì vậy, không phải đến sinh nhật mà ngay khi bước sang năm mới, một người cũng coi như bước sang tuổi mới.
Đây cũng là thời điểm, những người già (đặc biệt ở các vùng nông thôn) tổ chức mừng thọ đầu xuân. Bởi theo quan niệm, gia đình nào có phúc, có đức lớn thì ông bà, cha mẹ mới sống thọ. Nên mừng thọ người cao tuổi là dịp con cháu đền ơn, đáp nghĩa, người dân chia vui và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tránh số bốn
Viện Đông Á Weatherhead giải thích rằng trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân châu Á thường quan niệm nên tránh số bốn ("si") vì nó đồng âm với từ "chết" trong tiếng Trung Quốc.
Viện Weatherhead cho biết: “Bất kỳ từ nào đồng âm hoặc liên quan đến cái chết, bệnh tật, phá sản đều được coi là không tốt".
Ở Hàn Quốc, số bốn cũng là một con số cần kiêng kị liên quan đến cái chết (do từ "bốn" trong tiếng Hàn được đánh vần giống với nửa đầu của từ "chết"). Vì vậy, nhiều thang máy ở Hàn Quốc thường dùng ký tự "F" thay cho số bốn trên bảng hệ thống.
Tránh nhặt chổi quét nhà
Theo truyền thống, người dân thường tránh nhặt chổi quét nhà trong dịp Tết Nguyên đán vì sợ "vô tình quét sạch những điều may mắn, tài lộc ra khỏi cửa".
Viện nghiên cứu cho biết, ngay cả khi nhìn thấy một chiếc chổi cũng có thể coi như điềm "báo trước một năm đầy vất vả trong công việc".
Dọn dẹp nhà cửa giải quyết tranh chấp
Tại Việt Nam, tháng trước Tết Nguyên đán, người dân thường sắm sửa quần áo mới, dọn dẹp, trang trí nhà cửa cũng như giải quyết mọi khoản nợ hoặc tranh chấp tồn đọng của năm cũ, để chuẩn bị cho một năm mới sắp tới.
Lì xì
Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác, dịp Tết mọi người thường trao nhau những phong bao lì xì đỏ đựng tiền.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là tình cảm tốt đẹp với mong muốn người nhận "phát tài, nhận lộc” và một năm mới hạnh phúc. Người lớn lì xì cho trẻ con thể hiện sự quan tâm, yêu thương và lòng mong ước cho con, cháu chăm ngoan, học giỏi, không đau ốm, bệnh tật... Người già được con cháu mừng tuổi thể hiện lòng kính trọng, lời chúc nhiều sức khỏe, sống thọ cùng con cháu.
(Nguồn: Đỗ An (Tổng hợp), Vietnam net, Thứ bảy, 05/02/2022)