Nakatsu - thị trấn nhỏ ở Nhật Bản - được xem là nơi có món gà rán ngon nhất xứ anh đào. Nhiều người còn đánh giá gà rán ở đây ngon nhất thế giới.
Karaage là một trong những món ăn nhẹ phổ biến nhất ở Nhật Bản. Đây thực tế là tên gọi chung của một kỹ thuật nấu ăn kiểu Nhật, với thành phần chính gồm cá hoặc gà. Tuy nhiên, karaage ngày nay chủ yếu được làm từ thịt gà. Chúng được ướp rồi phủ bột, chiên trong dầu ít béo.
Người Nhật yêu thích karaage tới nỗi còn tổ chức cuộc thi riêng cho nó. Các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto hay Osaka lẽ ra phải là cái tên hàng đầu cho ngôi vị quán quân. Dù vậy, Nakatsu thuộc quận Oita trên đảo Kyushu mới luôn là nhà vô địch. BBC gọi Nakatsu là "thủ đô gà rán của thế giới".
Karaage nổi tiếng với cách làm đơn giản nhưng hương vị khác biệt. Thịt gà tẩm bột - chủ yếu là tinh bột khoai tây và sử dụng phần đùi, ức, cổ và cánh. Chúng được tẩm ướp trong hỗn hợp nước tương, gừng, muối, tỏi, trái cây và nhiều loại gia vị khác. Các thành phần bí mật đã tạo nên cảm giác khó quên khi bạn cắn miếng đầu tiên.
Đầu bếp quá cố Anthony Bourdain cũng mê mẩn món này: "Tôi nghiện món cốt lết gà chiên giòn này... Tội lỗi thật. Không bao giờ tôi lên máy bay và quên mang theo chúng".
Thậm chí, Hiệp hội Karaage Nhật Bản còn sản xuất một bộ phim và tự phong cho nó là "món ăn siêu cấp quốc gia".
Tuy nhiên, karaage không hoàn toàn bắt nguồn từ Nhật Bản. Nó xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 16 khi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến xứ anh đào qua cảng Nagasaki (đảo Kyushu). Những người này đã mang phương pháp nấu nướng của họ và dạy cho người bản địa. Dần dần, người Nhật áp dụng cách nấu của phương Tây để tạo ra món tempura như ngày nay.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chế độ ăn uống của người Nhật chủ yếu theo kiểu pescatarian (chế độ ăn chay theo chủ nghĩa đạo đức). Đây có thể do tín ngưỡng của họ.
Việc ăn thịt gà không thực sự xuất hiện ở quốc đảo này cho tới thời Kyōhō (năm 1716 đến năm 1736). Nạn đói đã giết chết hàng chục nghìn người trên đảo Kyushu. Để khôi phục tài chính, người nông dân được khuyến khích chăn nuôi thêm gia cầm để bán được nhiều trứng hơn. Và rồi, họ bắt đầu ăn thịt gà khi những con gà đẻ trứng đã quá tuổi.
Đó là bước nhảy vọt trong chế độ ăn uống của Nhật Bản. Khi nước này mở cửa biên giới, ẩm thực của Nhật chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc và phương Tây. Điều đó có nghĩa người dân xứ anh đào bắt đầu ăn nhiều thịt hơn.
Nhưng mãi đến sau Thế chiến thứ hai, gà rán và đặc biệt là karaage, mới trở nên phổ biến như ngày nay. Sau chiến tranh, Nhật Bản bị tàn phá, tình trạng thiếu lương thực tràn lan, thiếu gạo đã khiến chế độ ăn uống của người Nhật thay đổi đáng kể.
Đảo Kyushu lại vốn nổi tiếng là một "trung tâm gia cầm". Ngày nay, nửa số gà thịt ở Nhật tới từ đảo này. Và cũng từ đó, các phương pháp nấu thịt nhanh chóng phát triển, cứu cả một quốc gia đang khổ sở vì thiếu lương thực.
Karaage xuất hiện lần đầu ở một nhà hàng Trung Quốc có tên Rairaiken - nằm tại thành phố Usa, kế bên Nakatsu. Vào cuối những năm 1950, nhà hàng bắt đầu bán món gà chiên giòn và được nhiều vị khách yêu thích. Sau đó, một quán rượu nhỏ tên Shosuke đã học phương pháp từ Rairaiken và phục vụ karaage với sake.
Ban đầu, ông chủ của Shosuke mua gà từ nông dân địa phương và bán chúng cho những người bán thịt. Vợ ông quản lý quán sake và chế biến karaage để phục vụ khách.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ những vị khách đa số là nông dân trồng lúa. Họ chỉ có thể trả tiền khi vụ lúa đến. Ông chủ đã phải khổ sở để đòi tiền và gặp khó trong việc duy trì kinh doanh. Thời điểm này, các trang trại lớn đã tiến hành công nghiệp hóa gà lấy thịt. Việc buôn bán gà nhỏ lẻ của ông Shosuke càng khó hơn.
Shosuke quyết định bỏ quán rượu và mở nhà hàng chỉ phục vụ karaage. Nhóm khách ông hướng tới là những bà nội trợ - người có tiền mặt để trả trước thay vì những ông chồng trả chậm và uống quá nhiều rượu.
Việc đổi hướng kinh doanh của Shosuke đã tạo cú hích lớn cho karaage phát triển. Người dân ở Usa đón nhận nhiệt tình "nguồn protein" ngon, rẻ và tiện lợi này. Ngày nay, Usa đã có hơn 40 cửa hàng karaage và là một trong những nơi có món gà chiên ngon nhất. Tuy nhiên, thành phố Nakatsu mới thực sự là nơi đưa tên tuổi của món ăn này lên tầm quốc gia và quốc tế.
Vào năm 1970, hai đầu bếp Arata Hosokawa và Shoji Moriyama nhận ra tiềm năng từ karaage. Mỗi người mở một hàng karaage của riêng mình ở Nakatsu. Họ cải tiến quy trình ướp, thêm vào những miếng táo và ngâm nước muối trong thời gian dài hơn để mang lại nhiều hương vị hơn cho món thịt. Ngay lập tức, công thức này đã trở thành tiêu chuẩn cho karaage. Nakatsu cũng được công nhận là trái tim và linh hồn của món gà rán này.
Ngày nay, các đầu bếp ở Nakatsu đã đưa món karaage của họ lên một tầm cao mới. Họ tổ chức cuộc thi giữa gần 50 cửa hàng để tìm ra món karaage ngon nhất thành phố. Mỗi cửa hàng đều có một vài thành phần bí mật khiến món karaage của mình trở nên độc đáo.
Karaage Grand Prix là một giải đấu karaage tầm cỡ quốc gia được tổ chức lần đầu ở Tokyo vào năm 2010. Kouji Moriyama, chủ cửa hàng Moriyama là nhà vô địch đầu tiên của Karaage Grand Prix.
Ông cũng là cháu trai của cha đẻ của Nakatsu karaage - Shoji Moriyama. Món karaage của Moriyama khiến người ăn nhớ mãi chẳng quên bởi hương vị trái cây trong từng miếng thịt. Dĩ nhiên, đây là công thức không thể tiết lộ.
Masahiko Inoue, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nakatsu Karaage, nói về Karaage Grand Prix 2023: "Cuộc cạnh tranh tiếp theo rất quan trọng vì mọi người sẽ biết cửa hàng nào thực sự là số một. Nhưng cuối cùng, tôi muốn mọi người hiểu Nakatsu karaage thực sự đặc biệt. Nó cũng như thương hiệu của thịt bò Wagyu vậy".
(Nguồn: Hoài Anh (Theo BBC), Zingnews, Thứ sáu, 23/12/2022, 13:51 (GMT+7))