Văn phòng Y tế Quốc gia chưa phát hiện ca nhiễm mới nào từ 4/4. 11 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và không trường hợp nào tử vong.
Ngay từ khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên vào 16/3, Greenland phong toả Nuuk, thủ đô của quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. 11 bệnh nhân đều được phát hiện tại thành phố hơn 18.000 dân này.
Chính phủ tạm dừng toàn bộ đường bay thương mại, đóng cửa trường học, nhà hàng quán bar trong ít nhất hai tuần. Cư dân không thể ra hoặc vào Greenland mà không có giấy phép đặc biệt ít nhất đến 30/4, ngay cả khi họ đi tàu thuyền tư nhân hay xe trượt tuyết. Mọi hoạt động tụ tập hơn 10 người đều bị cấm, người dân được khuyến cáo ở nhà, không đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, quận này sang quận khác. Trước đó, hòn đảo không cho phép bất kỳ du khách nào không phải công dân Đan Mạch nhập cảnh từ 13/3, khi đại dịch lây lan khắp châu Âu.
Thậm chí, chính quyền Nuuk còn ban hành lệnh cấm bán rượu từ 28/3 đến 15/4. Người dân được cảnh báo, những bậc cha mẹ uống rượu quá mức sẽ gây nguy hiểm cho trẻ em ở nhà. Ngoài ra, chính sách này cũng nhằm mục đích giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng bởi người dân sẽ ít ý thức về bệnh dịch khi say xỉn.
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, có khoảng 57.000 cư dân và một hệ thống y tế hạn chế. Ảnh: History Extra.
Khi số người chết vì nCoV ở châu Âu không ngừng tăng, Greenland vẫn an toàn, nhưng những câu hỏi quan trọng hiện nay là: Hòn đảo này có thể tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới trong bao lâu? Người dân sẽ phải cách ly xã hội trong bao lâu? Chính phủ nên để nền kinh tế ngưng trệ trong bao lâu - và virus sẽ lây lan nhanh đến thế nào khi lệnh phong toả và hạn chế được nới lỏng?
Nội bất xuất, ngoại bất nhập
Một lịch sử đen tối của những dịch bệnh chết người vào thế kỷ 18 và 19, đã dấy lên mối lo ngại rằng nCoV sẽ nhanh chóng lan tới nhiều làng mạc xa xôi, nếu không được kiểm soát kịp thời. Một khi viễn cảnh đó xảy ra, những bệnh viện nhỏ sẽ không thể chăm sóc đặc biệt cho mọi bệnh nhân, hay kịp điều trực thăng cứu hộ cho hàng loạt ca khẩn cấp. Không cần quá nhiều ca mắc bệnh nặng để khiến hệ thống y tế của hòn đảo này quá tải.
Do đó lệnh phong toả là hoàn toàn phù hợp cho hòn đảo lớn nhất thế giới này. Người ta gần như không thể đến hay rời Greenland, vì không có chuyến bay, tàu thuỷ hay phương tiện nào - trừ phi có giấy phép đặc biệt. Vài chuyến bay và trực thăng vẫn vận chuyển thư từ và chở y bác sĩ giữa 72 thị trấn và ngôi làng của hòn đảo - không có tuyến đường sắt hay đường bộ nào kết nối những cộng đồng dân cư này.
Từ Saattut, một làng chài gồm khoảng 250 người ở vùng tây bắc Greenland, Apollo Mathiassen, một ngư dân, nói qua điện thoại rằng dân làng gần như không có tiếp xúc vật lý nào với phần còn lại của thế giới. Thậm chí, người dân cũng không đến thị trấn Uummannaq gần nhất, chỉ cách đó khoảng 45 phút đi xe trượt tuyết hoặc chó kéo.
Phương tiện di chuyển phổ biến của người dân Greenland là xe trượt tuyết hoặc xe chó kéo. Ảnh: Guide to Greenland.
Điều trị từ xa
Ove Rosing Olsen, cựu dược sĩ, hy vọng lệnh phong tỏa kéo dài hơn nhiều. Năm 1992, ông Olsen trở thành Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Greenland khi chính quyền Greenland tiếp quản hệ thống y tế từ Đan Mạch. Hiện ông sống tại thị trấn Sisimiut trên bờ tây Greenland.
Ông lo rằng nhiều người Greenland có thể bị nhiễm nCov và trở bệnh nặng, vì nhiều đại gia đình sống trong các căn hộ hoặc ngôi nhà nhỏ. Năm 1801, dịch đậu mùa đã giết chết khoảng 80% cư dân của Sisimiut; bệnh sởi cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người vào cuối năm 1954.
"Gần đây nhất, chúng tôi đã đối phó với đại dịch cúm lợn năm 2009, gần như toàn bộ người dân Sisimiut đã bị ảnh hưởng. Một đứa trẻ đã chết. Đó là một dịch bệnh nghiêm trọng, và bây giờ là Covid-19, còn tệ hơn nhiều. Tôi nghĩ chúng ta sẽ vẫn phong tỏa một phần trong ít nhất sáu tháng và có lẽ cả năm", ông nói.
Gert Mulvad, bác sĩ tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe của Bệnh viện Queen Ingrid, cơ sở y tế lớn nhất của Greenland, nói: "Chiến lược của chúng tôi, cũng như ở các quốc gia khác, là đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải. Khác biệt là chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn để phong tỏa đất nước. Vấn đề là không có vaccine hoặc một phác đồ điều trị tốt cho những bệnh nhân nguy kịch, nên chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi mở cửa trở lại".
Anders Koch, một nhà dịch tễ học y tế ở Copenhagen, đồng thời là giáo sư đại học ở Greenland, bày tỏ lo ngại: "Hệ thống y tế không được trang bị để đối mặt với một thách thức như vậy, với số lượng nhân viên, giường bệnh và máy thở giới hạn. Nếu một bệnh nhân cần điều trị bằng máy thở ở Greenland, họ phải được chuyển đến thủ đô Nuuk - và ba phần tư dân số sống bên ngoài Nuuk".
Nếu số lượng bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt vượt quá khả năng của Greenland, họ có thể được di chuyển qua 3.500 km tới các bệnh viện ở Đan Mạch, vì người Greenland vẫn là công dân Đan Mạch.
Mở cửa dần dần
Thủ tướng Greenland, Kim Kielsen, tự tin rằng không còn ca lây nhiễm chéo nào trong cộng đồng sau khi 11 người mắc Covid-19 đã hồi phục hoàn toàn. Thủ đô Nuuk, nơi đã phong toả từ 18/3, bắt đầu nới lỏng những hạn chế. Trung tâm thương mại Nuuk Center đang chuẩn bị mở cửa lại, học sinh dần dần quay lại trường, những cơ sở bán rượu bia được phép hoạt động trở lại. Một máy xét nghiệm Covid-19 mới đã được đưa vào hoạt động trong phòng thí nghiệm tại Nuuk.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kielsen cho rằng chính quyền và người dân Greenland cần cảnh giác cao độ cho đến khi có vaccine cho nCoV. Nhà lãnh đạo này kêu gọi càng nhiều người dân làm việc tại nhà càng tốt cho đến 1/5. "Hãy ở nhà, tuân thủ những khuyến cáo về vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội. Đây chính là cách chúng ta có thể tránh lây nhiễm", ông nói.
Theo Bảo Ngọc (Theo EU Observer, The Local)
Nguồn tin bài và ảnh: vnexpress.net, chuyên mục du lịch