Tại quán Gallery Okubo ở Tokyo, giá một cốc trà xanh chỉ khoảng 8 USD, nhưng những chiếc bát đựng thì lên đến 25.000 USD.
Gallery Okubo là điểm thưởng trà nằm trên một con phố yên tĩnh ở quận Yanaka, Tokyo, nơi có cửa hàng đồ cổ của gia đình Mitsuru Okubo. Bước vào phòng trưng bày, du khách sẽ được chào đón bởi một bộ sưu tập các loại cốc, bát, đĩa khác nhau tại tầng một.
Con gái chủ quán, Atsuko, sau đó sẽ xuất hiện từ một căn phòng liền kề, cúi đầu chào khách và dẫn họ lên cầu thang nhỏ tới căn phòng trải chiếu tatami ở tầng hai.
Căn phòng này cũng nhỏ, trang trí theo kiểu truyền thống của một buổi trà đạo. Tuy vậy, để phục vụ khách quốc tế, quán có bày những chiếc ghế để mọi người có thể ngồi, nếu như bạn không thể quỳ gối như người Nhật.
Tại một căn phòng nhỏ khác bên cạnh, các bát trà được đặt trên chiếc giá bốn ngăn. Đây sẽ là nơi bạn được chọn bát để uống. Atsuko sẽ trở thành hướng dẫn viên tại gia và giới thiệu cho khách về từng chiếc bát, giá tiền, lịch sử của chúng. Những chiếc bát này có giá vài nghìn USD, cao nhất là 25.000 USD. Tuổi đời của chúng từ nửa thế kỷ, đến hơn 300 năm.
Mitusuro Okubo, bố Atsuko, cũng vui vẻ tham gia buổi hướng dẫn khách hàng cùng con gái. Những chiếc bát càng đắt, trông lại càng có nhiều điểm không hoàn hảo như không đối xứng, màu không đều. "Sự không hoàn hảo mới là do con người tạo ra. Đó là lý do chúng có giá trị cao", ông nói.
Sau đó, Mitusuro chỉ cho khách xem một chiếc bát khác, đẹp hoàn hảo không "góc chết". Nhưng nó chỉ có giá 100 USD. "Chiếc bát này đẹp, nhưng hoàn hảo. Hoàn hảo chỉ dành cho robot. Chiếc bát này là một robot và robot thì có thể thay thế được", người chủ nói thêm. Những chiếc bát 100 USD dùng để phục trẻ nhỏ, hoặc những vị khách không đủ tự tin uống trà trong những chiếc bát bằng cả gia tài.
Buổi thưởng trà bắt đầu. Atsuko mặc kimono và quỳ vuông góc với chiếc bàn khách đang ngồi. Cô chuẩn bị trà một cách bài bản, cẩn thận khi dùng muôi gỗ tay cầm dài múc nước nóng từ nồi, cho vào bát và pha trà. Không gian trong phòng tĩnh mịch, âm thanh duy nhất là tiếng nước róc rách chuyển động và tiếng chim hót bên ngoài.
Sau khi khách được phục vụ một chiếc bánh ngọt gồm thạch và nhân đậu có hình giống một bông hoa cẩm tú cầu, trà được rót vào những chiếc bát mà khách tự chọn. Trà nóng hổi, vẫn còn sủi tăm.
Theo đúng nghi thức thưởng trà, khách nâng những chiếc bát đắt tiền lên. Một tay đặt ở thàn bát, một tay đỡ bên dưới. Hương vị trà xanh hảo hạng khiến khách mải tận hưởng và quên đi những món đồ gốm sứ trị giá cả gia tài họ đang cầm trên tay.
Cuối buổi, khi Atsuko cẩn thận cất đồ dùng và những chiếc bát, cha cô bước lên cầu thang và mang theo những món quà cho khách. Đó là những bức tranh vẽ tay về những chiếc bát mà du khách đã sử dụng lúc nãy cùng món tráng miệng ngọt ngào nhà làm. Ông cũng ngồi giải thích cho khách về nguồn gốc và ý nghĩa của từng loại bánh.
Việc kết hợp bát cổ và trà đạo là ý tưởng của Atsuko. Cha cô là một nhà sưu tầm, buôn bán đồ cổ. Nhưng nhiều mặt hàng trong phòng trưng bày bán rất chậm. Hầu hết những chiếc bát này đều nằm trong một góc, bụi bặm và ít người biết đến. Vì vậy, Atsuko nghĩ rằng việc dùng chúng trong các buổi trà đạo sẽ mang lại một luồng gió mới lạ, khiến công việc kinh doanh của gia đình tốt hơn. Và cô đã thành công.
(Nguồn: Anh Minh (Theo CNN), VN Express, Thứ năm, 7/7/2022, 17:45 (GMT+7))