TST tourist

Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật bên ruộng cúc mâm xôi những ngày giáp Tết

  • Thứ 2, 09/01/2023, 13:21 GMT+7
  • 672 Lượt xem

Nửa tháng trước Tết Nguyên đán 2023, đi dọc tuyến đường tránh nội ô TP Sa Đéc (tỉnh lộ ĐT848, tỉnh Đồng Tháp), người đi đường sẽ thu vào tầm mắt những mảng vàng ươm nổi bật từ những ruộng cúc mâm xôi.

Mấy ngày này, chị Cao Oanh (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) đã gác lại hầu hết công việc buôn bán ở chợ để về nhà phụ giúp chồng chăm sóc ruộng hoa cúc mâm xôi nhà mình đang vào vụ.

Theo ghi nhận của Dân trí, trong khi các nhà vườn cúc mâm xôi trong vùng xã Tân Khánh Đông còn xanh rờn hoặc hoa nở ít, thì ruộng hoa nhà vợ chồng chị Oanh đã vàng ươm.

"Năm nay, ruộng cúc mâm xôi nhà tôi được mùa. Loại cúc này lâu tàn, có thể trưng từ giờ đến qua Tết. Vì thế, hoa bắt đầu nở vàng sớm sẽ thu hút thương lái đi chọn mua sớm, họ thấy nở đẹp sẽ vào mua nhiều", anh Huỳnh Văn Hoàng (chồng chị Oanh) vui vẻ.

Anh Hoàng cho biết mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng từ ruộng hoa 4.000m2 với khoảng 4.000 chậu cúc mâm xôi, lãi hơn 100 triệu đồng.

"Trồng cúc mâm xôi kinh tế hơn các loại cúc hay hoa khác vì chúng khỏe, ít bị gãy nát, do đó dễ vận chuyển đi tỉnh xa nên sức mua lớn hơn. Tuy nhiên, công đoạn chăm sóc có phần cực hơn", chủ ruộng nói.

Thời gian chăm sóc một vụ cúc mâm xôi khoảng 7 tháng (từ rằm tháng 5 đến ngày 19-20 tháng Chạp). Những ngày giáp Tết Nguyên đán, các chủ ruộng có khi ở cạnh hoa từ sáng đến đêm. "Thuê đất một năm nhưng chỉ dùng hơn nửa năm để trồng, thu nhập gia đình trông chờ vào mùa cúc bán tết", vợ chồng chị Oanh chia sẻ.

Điểm thú vị ở các ruộng cúc mâm xôi vùng Tân Khánh Đông là những giàn cọc trên mặt nước thay vì mặt đất. Người nông dân chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển hoa bằng ghe.

Theo anh Hoàng, trồng cúc mâm xôi trên mặt nước để dễ hút nước tại chỗ lên tưới, thay vì phải kéo vòi đi khắp vườn. Khu đất này vốn là ruộng hoa màu, vợ chồng anh Hoàng thuê lại, bơm nước từ nhánh sông vào ruộng.

Cách ruộng vợ chồng chị Oanh không xa là nhà vườn cúc mâm xôi của anh Công Đức (quê xã Tân Khánh Đông). Những ngày đầu tháng 1, cả vườn có 6-7 nhân công cùng có mặt để chăm sóc và thu hoạch hoa.

"Tính đến thời điểm cận tết năm nay, bông không nở rộ bằng các năm trước. Chỉ mong cả vườn nở kịp để bán được giá", chủ vườn Đức tâm sự. Mọi năm, đến khoảng ngày 25 tháng Chạp anh Đức đã bán hết hoa.

Vườn cúc mâm xôi nhà anh Đức không dẫn nước vào thành ruộng, một phần tiện cho công đoạn chăm sóc và thu hoạch. Với lợi thế nhiều nhân công, người thì đi buộc hoa đặt xuống đất, sau đó có người đến vận chuyển mang ra xe thương lái, thay vì phải chèo ghe tròng trành.

Cả vườn chỉ có một lạch nước ở giữa, nông dân sẽ dùng vòi phun lên cao để tưới.

Toàn bộ nhà vườn nhà anh Công Đức rộng 5.000m2, trồng khoảng 6.000 chậu cúc các loại, phần lớn là cúc mâm xôi. Đây là vườn cúc mâm xôi lớn nhất nhì vùng trồng hoa Tân Khánh Đông. 

Theo chủ vườn, với quy mô trồng hoa rộng của các hộ địa phương, có thể sắp tới nơi đây sẽ được quy hoạch thành làng hoa du lịch cùng với làng hoa Tân Quy Đông hiện tại.

Trong thời gian thu hoạch cúc mâm xôi ở Sa Đéc, nhiều du khách cũng đến đây tham quan, chụp ảnh. Nhóm sinh viên từ Cần Thơ cho biết vài năm nay thường rủ nhau đến các vườn hoa ở Sa Đéc chơi. "Tụi em thích đến mấy vườn ở Tân Khánh Đông, toàn là cúc mâm xôi không đa dạng, sặc sỡ, nhưng không đông đúc như trong làng hoa du lịch Tân Quy Đông", nhóm bạn nói.

Chủ vườn Công Đức cho biết anh không mở dịch vụ đón khách tham quan như trong làng hoa Tân Quy Đông vì sợ đông khách sẽ làm hư hoa. Nếu khách đến xin vào chụp thì anh mời vào và dặn họ cẩn thận.

Vùng trồng hoa Sa Đéc hình thành bên cạnh các nhánh của dòng Mê Kông, một bên là sông Tiền, một bên là sông Sa Đéc. Hai dòng chảy bồi lắng phù sa, tạo ra độ ẩm phù hợp cho nhiều loại hoa xứ này. Thâm canh trên ụ, trên giàn, mỗi khi lũ về hay triều cường lên, người dân chẳng lo hoa bị ngập.

Nghề trồng hoa cảnh (hoa kiểng) tại TP Sa Đéc là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích trồng hoa ở địa phương này rộng hơn 600ha, tập trung nhiều nhất ở phường Tân Quy Đông, xã Tân Khánh Đông, phường An Hòa và xã Tân Quy Tây, với hơn 2.000 hộ sản xuất hoa kiểng các loại.

Cận tết, những chậu hoa nơi đây sẽ được thương lái mua về khắp miền Tây, lên TPHCM, Đà Lạt và ra tận miền Bắc.

(Nguồn: Hải Long - Tâm Linh, Dân Trí, Thứ hai, 09/01/2023)

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc