TST tourist

Paris thay đổi như thế nào từ những năm 2000?

  • Thứ 7, 16/05/2020, 18:56 GMT+7
  • 813 Lượt xem

Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất ở kinh đô ánh sáng.

Nhiều người coi Paris là thành phố không thay đổi theo thời gian. Tháp Eiffel thắp sáng bầu trời mỗi đêm, các kiến trúc từ thế kỷ 19 xuất hiện trong sách hướng dẫn du lịch và bưu thiếp vẫn còn nguyên vẹn. Nếu London, Bắc Kinh thay đổi diện mạo nhanh chóng vì toàn cầu hóa, thì Paris nguyên vẹn. Tuy nhiên đối với nhiều người sống tại đây, Paris đã có nhiều đổi thay kể từ đầu thế kỷ 21. 

Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất ở Paris. Số lượng người dân địa phương thoải mái nói tiếng Anh nhiều hơn. Khi Courtney Traub, một tác giả chuyên viết về du lịch Paris và châu Âu đến đây vào năm 2001, cô gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người dân địa phương, ngoại trừ các khu du lịch lớn. Dần dần, thế hệ trẻ hiện đại ở Paris đã thay đổi điều đó. Sự ra đời của YouTube, các chương trình truyền hình tiếng Anh và phát triển giáo dục ngôn ngữ đã thay đổi tất cả.

Paris-da-thay-doi-the-nao-tu-nhung-nam-2000-3

Năm 2019, có 55% người Pháp nói tiếng Anh theo một khảo sát được thực hiện ở châu Âu. Mặc dù con số này vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu (Pháp đứng thứ 25), đây là một tỷ lệ cao so với thời điểm 20 năm về trước. Ảnh: TripSavvy/Mental Art Design.

Việc đi lại trở nên thuận tiện hơn. Trước đây, Paris thường được xếp hạng thấp khi xét về tiêu chí thuận tiện cho du khách. Vỉa hè hẹp với lề đường dốc, hàng rào kim loại được đặt gần lối băng qua đường, trạm tàu điện ngầm với cầu thang dài vô tận... Đăng cai Olympics mùa hè 2024, Paris đã lên kế hoạch cải tạo để việc đi đến những khu vực công cộng xung quanh thành phố thuận tiện hơn, gồm bảo tàng thành phố, công viên, quảng trường và không gian xanh. 

Paris-da-thay-doi-the-nao-tu-nhung-nam-2000-2

Vài năm gần đây Paris đã có các nhà vệ sinh công cộng miễn phí, tự động và rất thuận tiện. Ảnh: Wikimedia Commons/La Citta Vita.

Số lượng xe buýt và trạm tàu điện ngầm được trang bị đường dốc cho người khuyết tật cũng tăng thêm. Nhiều bảo tàng và di tích thành phố nổi tiếng cũng đang thay đổi để mọi người có thể đến đây dễ dàng.

Xuất hiện nhiều cửa hàng bánh, quán cà phê và bia thủ công. Vào đầu thế kỷ 21, các quán rượu, quán bar chuyên về đồ ăn, bia và âm nhạc "chuẩn" Anh, Australia hoặc Mỹ nở rộ tại Pháp. Trừ một vài ngoại lệ, hầu hết chúng được đánh giá có chất lượng khá tệ.

Khoảng năm 2010, một xu hướng thời thượng hơn phát triển ở Paris. Các quán bia thủ công nhộn nhịp về đêm, các quán cà phê sử dụng phương pháp pha chế thủ công mọc lên san sát. Tiệm bánh chỉ có một loại duy nhất như cupcake (bánh bông lan kem nhỏ) đến meringues (bánh trứng đường) đột nhiên gây sốt. Thực khách xếp hàng dài để ăn pizza và cocktail tại chuỗi nhà hàng hiện đại của những người Italy sống tại đây. Thế hệ trẻ Paris đã mang đến làn gió mới trong ẩm thực, đặc biệt là những thứ không phải đặc sản truyền thống của Pháp.

Dịch vụ thân thiện hơn. Pháp thường xuyên nằm trong top đầu danh sách các quốc gia mà du khách đánh giá người dân có thái độ cáu kỉnh, thô lỗ với khách nước ngoài, theo khảo sát của các trang du lịch như TripAdvisor, Traveller... 

Song cũng có nhiều người cho rằng, những gì du khách cho là "thô lỗ" thường do khác biệt về văn hóa. Trước tình hình này, một số quan chức của Pháp từng lên tiếng cảnh báo về thái độ yếu kém của người dân đối với khách du lịch.

Năm 2014, Fleur Pellerin, cựu Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chia sẻ trong một hội nghị về du lịch: "Chúng ta phải lấy lại thiện cảm bằng lòng hiếu khách của chính mình. Mọi người đều có thể nhận ra chúng ta có thể làm tốt hơn khi đón tiếp khách du lịch và cải thiện chất lượng dịch vụ".

Ngày nay, dịch vụ nói chung đã trở nên thân thiện hơn ở thủ đô. Điều này có được là nhờ thế hệ Paris trẻ hơn với suy nghĩ cởi mở, nhân viên, chủ doanh nghiệp nỗ lực phối hợp của các quan chức du lịch để quảng bá hình ảnh thành phố ấm áp và hiếu khách. 

Paris-da-thay-doi-the-nao-tu-nhung-nam-2000-1

Khách du lịch thường nhận những cái nhún vai, sự thờ ơ khi được hỏi hay yêu cầu giúp đỡ. Ảnh: AFP/The Local Fr.

Phân chó ít xuất hiện hơn. Việc tránh phân chó trên đường đi được người Paris xem là "nghệ thuật" đích thực vào đầu thế kỷ 21, đòi hỏi đôi mắt tinh anh và đôi chân nhanh nhẹn. Chất thải của chó rất nguy hiểm vào những ngày mưa, hoặc khi các lớp băng mỏng bao phủ vừa đủ để khiến nó trở nên vô hình. Nhiều người bị ngã và đã có những cuộc cãi nhau nảy lửa giữa chủ chó và người đi bộ.

Sau đó, vào giữa những năm 2000, các khoản phạt được đưa ra để ngăn các chủ sở hữu không để lại chất thải của những người bạn 4 chân gây ô nhiễm vỉa hè và đường phố. Paris hiện chi khoảng 400 triệu euro mỗi năm để giữ cho đường phố, vỉa hè, tàu điện ngầm và các khu vực công cộng khác sạch sẽ. 

Theo Ngân Dương (Theo Trip Savvy)

Nguồn tin bài và ảnh: vnexpress.net, chuyên mục du lịch

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc