TST tourist

Phú Quốc, Đà Nẵng vỡ mộng đón khách quốc tế

  • Thứ 3, 08/03/2022, 14:43 GMT+7
  • 545 Lượt xem

Các địa phương trọng điểm đón khách quốc tế kỳ vọng nhiều vào đợt mở cửa 15/3. Tuy nhiên, họ đã bị "dội gáo nước lạnh".

Gần đây, phản hồi từ Bộ Y tế về đề xuất đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành thất vọng. Đối lập với sự hồ hởi trước đó, đa số tin nếu những quy định do Bộ Y tế đưa ra được thông qua, du lịch inbound (đón khách quốc tế) sẽ trở về con số 0.

Mòn mỏi rồi thất vọng

Chưa bao giờ, viễn cảnh thị trường khách quốc tế sôi động trở lại ở Việt Nam lại gần như những tháng qua. Từ tháng 2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những đề xuất khá "thông thoáng" tới Chính phủ sau khi lắng nghe góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương...

Tuy nhiên, phản hồi từ Bộ Y tế lại khiến tất cả "vỡ mộng". Nhiều người tin những quy định như "khách quốc tế phải cách ly 3 ngày, nếu cách ly một ngày sẽ phải xét nghiệm liên tục trong 3 ngày" đang siết đà phục hồi của ngành du lịch.

Thực tế, thông tin về việc mở cửa du lịch thế nào chưa bao giờ được công bố chính xác. Mọi thứ đều dừng lại ở những đề xuất. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực sự khiến nhiều doanh nghiệp vui mừng và chuẩn bị kịch bản đón khách theo hướng như vậy.

Trả lời Zing, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết cộng đồng doanh nghiệp đã "rất phấn khởi" với chủ trương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra. Họ cũng đã chuẩn bị phương án theo những đề xuất này.

"Nhưng những ngày qua, Bộ Y tế lại gửi dự thảo tham mưu trong đó có yêu cầu giám sát y tế bắt buộc trong 24 giờ đầu, theo dõi 72 giờ tiếp theo hay test 3 ngày liền... Tôi nghĩ những quy định này sẽ đưa du lịch inbound trở về vạch xuất phát, mất lợi thế cạnh tranh và hiệu quả truyền thông cho đợt mở cửa 15/3", ông Dũng nói.

TSTtourist-phu-quoc-da-nang-vo-mong-don-khach-quoc-te-1Nhiều doanh nghiệp ở các địa phương chuyên đón khách quốc tế thất vọng vì những đề xuất mới - Ảnh: Corona Resort & Casino

Một địa phương "điểm nóng" đón khách quốc tế khác là Phú Quốc (Kiên Giang) cũng rơi vào cảnh vỡ mộng tương tự. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ở đây nhận xét quy định Bộ Y tế đề xuất không phù hợp. Bởi vốn dĩ không phải khách quốc tế nào cũng dư dả thời gian du lịch.

Đa số chỉ dành khoảng 4 ngày khám phá Việt Nam nên dùng 3 ngày đầu để cách ly và làm những bài test Covid-19 khiến họ không còn tha thiết đi chơi.

Chia sẻ về câu chuyện mở cửa, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, cho biết mình hiểu Bộ Y tế ưu tiên sự an toàn. Điều đó tốt cho chính Việt Nam và cả những du khách. Tuy nhiên, các quy định cần bắt kịp với xu hướng mở cửa hiện tại.

"Chúng ta cần tham khảo cách các quốc gia trên thế giới đang làm và phải khiến du khách khao khát du lịch Việt Nam. Rõ ràng, tâm lý của người Việt Nam với Covid-19 đã thoải mái hơn dù các ca mắc vẫn còn nhiều.

Ngoài ra, chúng tôi cần một sự thống nhất từ các Bộ ngành để doanh nghiệp đón khách thuận lợi. Chứ cứ như bây giờ, chúng tôi chẳng biết báo họ thế nào, rất khổ cho doanh nghiệp", ông Huy chia sẻ.

Ai chịu đến Việt Nam?

Khi bàn về câu chuyện này, nhiều doanh nghiệp muốn truyền đạt một thông điệp tới cấp chính quyền: "Vì sao người ta đi du lịch?". Theo họ, câu trả lời rất đơn giản. Du lịch là bỏ tiền để mua sự sung sướng, tận hưởng dịch vụ và tái tạo nguồn năng lượng tích cực sau đại dịch. Và chẳng có vị khách nào muốn bỏ tiền để chịu những ràng buộc như trên.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, chính sách của họ dễ dàng hơn hẳn. Với khách du lịch đã tiêm đủ liều vaccine, họ chỉ yêu cầu test nhanh trước khi nhập cảnh. Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh. Còn Thái Lan đã đi trước Việt Nam rất nhiều, từ việc thông báo lộ trình đến thay đổi các điều kiện để du khách thuận tiện hơn.

"Nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt, nước ta sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và cả ngành kinh tế", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc ban Tiếp thị Vietravel, bình luận.

TSTtourist-phu-quoc-da-nang-vo-mong-don-khach-quoc-te-2Những du khách cao cấp có kế hoạch nghỉ dưỡng được tính trước nhiều tháng - Ảnh: Mr.Viviant

Dù vậy, vẫn có một số quan điểm lạc quan trước những đề xuất từ Bộ Y tế đưa ra. Ví dụ, Sa Pa (Lào Cai) trước kia cũng là một điểm thu hút khách quốc tế. Các doanh nghiệp ở đây không quá "sốt ruột" khi nghe những đề xuất mới. Bởi lẽ, khách quốc tế vốn không thể tới trực tiếp Sa Pa mà thường phải đi qua Hà Nội.

Do đó, theo quan điểm của ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa, đề xuất này nếu được thông qua cũng chưa ảnh hưởng quá nhiều đến du lịch địa phương.

Hay Six Senses Resort Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có tập khách quốc tế cao cấp lớn trước dịch (nhiều nhất là khách châu Âu và Mỹ). Cho đến nay, khu nghỉ dưỡng đã nhận được nhiều yêu cầu từ khách quốc tế cho kỳ nghỉ cuối năm (tháng 11 đến tháng 3).

Trả lời Zing, đại diện resort cho biết khách cao cấp từ Mỹ, châu Âu thường đặt sớm 3-6 tháng trước kỳ nghỉ. Trong khi đó, khách châu Á sẽ đặt trước tầm 3 tháng. Đợt mở cửa 15/3 rơi vào giai đoạn hè nên phía resort khá tự tin quyết định nghỉ dưỡng cuối năm của khách sẽ không thay đổi.

"Đối tượng khách của chúng tôi có xu hướng đặt trước khá xa nên hiện tại nhu cầu của họ không bị ảnh hưởng bởi các chính sách. Với vị trí biệt lập, an toàn, chúng tôi vẫn tự tin trước sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực", đại diện resort nói.

Tuy nhiên, phía resort biết không phải nơi nào cũng có đối tượng chính là những khách cao cấp, xu hướng đặt xa. Do đó, nếu những khách quốc tế đặt sớm cho dịp hè, họ có lẽ sẽ cân nhắc nhiều nếu không được ra ngoài trong kỳ nghỉ.

(Nguồn: Anh Tú, Zing news, Thứ ba, 8/3/2022, 08:41 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc