TST tourist

Săn ảnh dưới đáy biển

  • Thứ 2, 06/12/2021, 08:00 GMT+7
  • 878 Lượt xem

Vũ điệu của sóng, các rạn san hô, sứa khổng lồ xuất hiện trong các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-1

Nguyễn Ngọc Thiện, 33 tuổi, ở TP HCM là một người có niềm đam mê nhiếp ảnh phong cảnh và đời thường.

“Ngã rẽ mảng nhiếp ảnh dưới nước bắt nguồn từ sở thích du lịch phiêu lưu mạo hiểm, thích khám phá các vùng biển đẹp hoang sơ và thế giới bí ẩn bên dưới mặt nước, được truyền cảm hứng từ chương trình The Blue Planet. Đây là phim tài liệu nhiều tập của Anh về thế giới đại dương và sinh vật biển được dẫn dắt bởi nhà tự nhiên học Sir David Attenborough. Từ đó, tôi nung nấu mong muốn ghi lại những vẻ đẹp đa dạng của thế giới trong lòng đại dương, tìm kiếm một hướng đi mới mẻ cho bản thân và hy vọng có thể mang đến một luồng gió mới cho thể loại nhiếp ảnh có độ khó này”, anh nói.

Năm 2019, anh nhận được chứng chỉ lặn biển chuyên nghiệp và say mê nhiếp ảnh dưới nước. Thông qua những bức ảnh, ngoài ghi lại vẻ đẹp đại dương, anh mong lan tỏa sự quan tâm, ý thức của cộng đồng, những người yêu biển cùng góp phần nhỏ chung tay bảo vệ hệ sinh thái mong manh của biển, nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-2

Bức ảnh này nằm trong bộ ảnh “Khám phá đáy biển và cổng Tò Vò cổ đại Lý Sơn” đoạt giải ảnh bộ xuất sắc Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2020 của Vietnam Airlines, mới đây đoạt giải khuyến khích Festival nhiếp ảnh trẻ năm 2021 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Việt Nam sở hữu lợi thế 3.260 km đường bờ biển trải dài Bắc - Nam với nhiều hòn đảo đẹp, vì thế du khách có thể du lịch và lặn biển quanh năm. Tháng 4 đến tháng 8 là mùa lặn biển đẹp nhất ở khu vực biển miền Trung, tháng 10 đến tháng 3 lại là mùa lặn biển đẹp nhất ở khu vực biển phía Nam. Trong 3 năm qua, Ngọc Thiện có cơ hội trải nghiệm và khám phá các điểm lặn trong và ngoài nước như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Mun, Vân Phong (Khánh Hòa), Cù Lao Xanh (Quy Nhơn), Hòn Yến, Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Du, Phú Quốc (Kiên Giang), các đảo Bali, Nusa Penida, Nusa Lembongan (Indonesia) hay vùng biển North Ari Atoll (Maldives).

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-3

Cô gái bơi theo ánh sáng tự nhiên xuyên qua mặt biển khám phá đáy biển đảo Bé thuộc huyện đảo Lý Sơn, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 30 km. Đảo Lý Sơn là điểm du lịch biển nổi tiếng của miền Trung.

Để lặn được an toàn và hiệu quả như trên, Ngọc Thiện nói, du khách phải tham gia các khóa học về lặn biển để được trang bị đầy đủ về kiến thức lặn và thực hành. Ở Việt Nam, hiện có nhiều trung tâm đào tạo lặn biển chứng chỉ quốc tế, tập trung và uy tín nhất là ở khu vực phố biển Nha Trang. Thời gian các khóa học tùy theo cấp độ chứng chỉ từ cơ bản đến nâng cao, các khóa đào tạo cơ bản phổ biến nhất từ 2 đến 3 ngày, trong khi các khóa đào tạo nâng cao có thể kéo dài đến nhiều tháng.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-4

Bề mặt đáy biển Lý Sơn có nhiều cảnh quan, địa chất kỳ thú như những bãi cát trắng mịn được tạo bởi xương san hô, hay những rãnh nứt gãy do quá trình vận động của núi lửa năm xưa tạo nên những con đường cát tự nhiên trải dài như vô tận dưới đáy biển.

Anh cho biết để có bức ảnh đẹp dưới nước, ngoài kỹ năng lặn thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, như kiến thức nâng cao về nhiếp ảnh dưới nước, thiết bị chụp ảnh dưới nước, thời tiết, các dòng chảy, cảnh quan và hệ sinh thái dưới nước và quan trọng nhất vẫn là cảm quan, góc nhìn và ý tưởng của người chụp.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-5

Cây cầu thiên nhiên hay còn được gọi là vòm đá bên dưới đảo Lý Sơn. Theo nhận định của các chuyên gia, vòm đá cổ đại này ở độ sâu khoảng 15-17 m được hình thành trong quá trình phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Nơi đây có các dòng nước lạnh di chuyển liên tục bên dưới, nên anh lưu ý điểm lặn này khá nguy hiểm, không dành cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm, mới biết lặn.

Ngọc Thiện cho biết một lần suýt bị ngất khi lặn tự do (blackout) do mải mê chụp ảnh ở độ sâu 15 m.

“Hiện tượng này rất nguy hiểm vì bị ngất do nhịn thở quá lâu, lượng oxy trong máu thiếu dẫn đến trung ương thần kinh bị tê liệt tạm thời, du khách mất ý thức và mất kiểm soát đối với cơ thể, gần như là không thể qua khỏi sau 2 phút nếu không gặp may mắn, trồi lên kịp hoặc đồng đội trợ giúp”, anh lý giải.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-6

Cô gái phiêu lưu trên cổng Tò Vò, mang một vẻ đẹp kỳ vĩ và huyền bí, tựa như một cánh cổng để bước vào một thế giới khác trong lòng đại dương. Tổng thể khối nham thạch tạo nên vòm đá kéo dài gần 100 m, trong đó phần mái vòm dài khoảng 20 m. Tính từ đáy biển lên, nơi cao nhất của vòm đá khoảng 5 m.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-7

Cận cảnh sắc màu san hô bám trên cổng Tò Vò. Trên lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay, dạng địa hình này mới được phát hiện một điểm duy nhất tại đảo núi lửa Lý Sơn.

“Vòm đá núi lửa dưới biển này có cấu trúc giống hệt thắng cảnh cổng Tò Vò trên cạn nhưng kỳ vĩ hơn rất nhiều, có nguồn gốc núi lửa và thuộc dạng địa hình hiếm có trên thế giới”, anh nói.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-8

Hòn Yến, Phú Yên là một trong những điểm lặn yêu thích của Ngọc Thiện bởi có những rạn san hô sặc sỡ sắc màu. Hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng lại có tới 25% số sinh vật biển sống ở đó, nhiều đến mức người ta ví những rạn san hô như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Tại Việt Nam, các rạn san hô phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam với diện tích khoảng hơn 1.100 km2, trong đó vùng biển miền Trung Việt Nam là một trong những nơi có diện tích rạn san hô nước nông ven bờ (shallow coral reefs) lớn nhất và tính đa dạng sinh học cao nhất.

Bức ảnh trên nằm trong bộ ảnh “Sóng và các rạn san hô” được anh chụp tại vùng biển Hòn Yến, Phú Yên và tại điểm lặn Cù Lao Xanh, Quy Nhơn, Bình Định, được chọn triển lãm tại Festival nhiếp ảnh trẻ năm 2021.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-9

Rạn san hô Cù Lao Xanh, một điểm lặn gần bờ nổi tiếng của Bình Định. Tác giả dùng kỹ thuật chụp ảnh nửa trên - nửa dưới (underwater split-shots), tức dùng sóng biển phân tách góc nhìn độc đáo giữa hai thế giới, trên mặt nước và dưới mặt nước cùng lúc trong cùng một khung hình.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-10

Những hình thái chuyển động của sóng biển hòa quyện kết hợp với vẻ đẹp các rạn san hô nước nông ven bờ ở Cù Lao Xanh.

Một điều lưu ý đối các du khách đây là các rạn hô tự nhiên, phải trải qua một thời gian rất lâu để mới lan rộng và phát triển cực đẹp như ngày nay, nên tuyệt đối không được bẽ gãy san hô để mang về làm kỷ niệm, nếu chính quyền địa phương phát hiện sẽ xử phạt vi phạm hành chính.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-11

Hòn Cau là một trong thiên đường nghỉ dưỡng thơ mộng, hoang sơ của Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu và bên dưới biển là thế giới đầy màu sắc, sinh động của các loài cá, rạn san hô. Hòn Cau nằm cách Phú Hải, đảo lớn nhất quần đảo Côn Đảo khoảng 8km về phía đông bắc.

TSTtourist-san-anh-duoi-day-bien-12

Anh Ngọc Thiện bất ngờ khi gặp sứa khổng lồ bên dưới vùng biển Côn Đảo nơi được đánh giá là có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với các rạn san hô nguyên thủy, thực vật ngập mặn, rong biển, các loài cá và giáp xác.

“Trong các hành trình lặn biển sắp tới sau những tháng giãn cách có lẽ là đảo Phú Quốc vì hiện đang là mùa lặn biển đẹp ở vùng biển này. Sau đó tôi dự định sẽ thăm lại Lý Sơn và Côn Đảo. Nếu tình hình dịch bệnh của thế giới tạm ổn, sẽ đến thăm những điểm lặn nổi tiếng ở Palawan thuộc Philippines, Raja Ampat thuộc Indonesia, hay vùng biển Borneo để tìm hiểu về bộ tộc người cá Sea Gypsies; và đặc biệt là đảo quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương để ghi hình mùa di cư của đàn cá voi lưng gù”, anh hào hứng kể.

(Nguồn: Huỳnh Phương, VnExpress, Thứ hai, 6/12/2021, 04:05 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc