Đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế nếu được thông qua không chỉ giúp ngành du lịch, hàng không sớm khôi phục mà còn duy trì sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế. Trước đó, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) cũng có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất công bố chính thức việc mở cửa biên giới quốc tế của Việt Nam từ ngày 1-5.
Đủ điều kiện mở cửa hoàn toàn
Theo công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông; các bộ, ngành liên quan, các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, TAB, Ban IV và VBF nhận định Việt Nam đến nay đã nằm trong Top 6 thế giới về tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19. Đồng thời, đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện ở một số địa phương mà không tạo ra thách thức gì đáng kể. Điều này cho thấy Việt Nam hiện đã ở một vị thế tốt để chính thức mở cửa, trở lại với các chính sách, quy định có trước đại dịch Covid-19.
Quyết định này cần được áp dụng đối với cả khách công vụ, người Việt Nam ở nước ngoài về nước và du khách nước ngoài.
"Rõ ràng đã đến lúc cần xác định thời điểm trở lại trạng thái bình thường. Chúng tôi khuyến nghị chọn thời điểm ngày 1-5 để chấm dứt tất cả hạn chế di chuyển cả nội địa và quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam. Điều này sẽ cho phép ngành du lịch - bao gồm các DN lữ hành, khách sạn, hãng hàng không - đủ thời gian chuẩn bị, các địa phương hoàn tất chương trình tiêm liều tăng cường cho phần đông dân cư" - ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV, Chủ tịch TAB, nêu trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - nhận định nếu chưa phục hồi du lịch quốc tế thì chưa thể phục hồi du lịch Việt Nam. Và chưa phục hồi du lịch Việt Nam thì chưa thể phục hồi hoàn toàn nền kinh tế. Trong tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và quốc tế hiện nay, cần thiết xúc tiến việc mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch nội địa và du lịch quốc tế như kế hoạch vào cuối tháng 4-2022. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn, có thể mở cửa du lịch quốc tế sớm hơn.
"Du lịch là một ngành kinh tế trọng điểm có đặc điểm liên ngành, liên vùng, liên quốc gia, rất cần quan điểm thống nhất, xuyên suốt về trạng thái "bình thường mới" sau mỗi lần bùng dịch. Không "rào chắn, chốt chặn" về các mặt ở các địa phương khi đồng thời phòng chống dịch và mở cửa phục hồi kinh tế. Thống nhất quan điểm, nhận thức ứng xử, phương án xử lý cụ thể đối với các trường hợp F0 phát sinh của du khách trong nước và quốc tế" - ông Võ Anh Tài kiến nghị.
Không mất lợi thế cạnh tranh
Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 19-1, Việt Nam đã đón trên 7.900 khách du lịch quốc tế theo Chương trình thí điểm, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và cộng đồng, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho các DN lữ hành, lưu trú, vận tải và tạo thu nhập cho người lao động. Dự kiến lượng khách tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới nếu ngành du lịch Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Theo các DN, như thế giới, du lịch Việt Nam chỉ hoàn toàn phục hồi khi du lịch quốc tế được phục hồi, các lệnh cấm đi lại song phương, đa phương giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ được dỡ bỏ, phương tiện giao thông quốc tế được nối lại hoàn toàn, lòng tin của du khách được phục hồi… Vì vậy, thời điểm ngày 1-5 mở cửa hoàn toàn trở lại du lịch quốc tế hoặc sớm hơn là một trong những việc cần làm ngay thời điểm này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, phân tích việc mở cửa hoàn toàn không chỉ "cứu" ngành du lịch, hàng không mà còn là bài toán về cạnh tranh quốc tế, cạnh tranh điểm đến trong khu vực, nhất là mùa du lịch hè 2022. Việc Việt Nam công bố mở cửa sớm hoàn toàn sẽ giúp DN mở bán tour, chương trình du lịch ra thị trường quốc tế để thu hút du khách từ khoảng tháng 5-6 và du khách cũng có thêm nhiều sự lựa chọn.
"Thực tế, Thái Lan, Singapore, Indonesia... đều đã công bố mở cửa du lịch quốc tế trở lại và cạnh tranh điểm đến rất mạnh với Việt Nam. Nếu được ủng hộ và mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-4 (sớm hơn so với đề xuất lộ trình hiện tại là dịp 30-4 và 1-5), sẽ giúp các hãng hàng không, lữ hành, du lịch tận dụng toàn bộ lịch bay mùa hè của thị trường quốc tế. Chúng ta đang chậm nhưng không thể chậm hơn nữa và mở cửa càng sớm sẽ càng giúp ngành du lịch thêm cơ hội phục hồi" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Ghi nhận cho thấy du lịch của Mỹ, EU đã phục hồi đến 75% trong năm qua sau khi mở cửa và dự kiến trong năm 2022 sẽ hồi phục bằng giai đoạn trước dịch để năm tới tăng trưởng vượt cả lúc chưa có dịch.
Về chính sách thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế, ông Võ Anh Tài đề xuất khi kết nối trở lại các chuyến bay, cần sẵn sàng phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 22 quốc gia đã được thực hiện trước dịch. Cụ thể là 9 quốc gia trong ASEAN, 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), 4 nước Bắc Âu, 5 nước Tây Âu, Nga, Belarus, trên cơ sở các quốc gia này bảo đảm an toàn về dịch bệnh, giao thông quốc tế được phục hồi.
Không nên để người dân "đi đường vòng" về nước
Đến thời điểm này, cả Campuchia và Lào đã chính thức mở cửa biên giới. Theo TAB, Ban IV và VBF, điều quan ngại là không ít người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang chọn cách bay đến Phnom Penh, rồi đi đường bộ về nước, để tránh phải trả chi phí cao cho các chuyến bay hồi hương trọn gói.
Hiện các DN trong ngành đã có giấy phép lữ hành, khách sạn vẫn bị đòi hỏi phải xin thêm các phê duyệt khác nhau để có thể tham gia kinh doanh. Do đó, trong lộ trình mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế cần công bố lịch trình mở cửa và tăng các chuyến bay thương mại đến và đi từ các điểm đến quan trọng về đầu tư và du lịch, không có bất kỳ hạn chế nào. Dỡ bỏ yêu cầu đối với công dân mang hộ chiếu nước ngoài phải nộp hồ sơ xin "giấy phép nhập cảnh" và áp dụng trở lại như trước đây hệ thống quy định đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có thị thực hoặc được miễn thị thực. Công dân Việt Nam ngay lập tức được tạo điều kiện trở về Việt Nam bằng mọi chuyến bay thương mại.
Quy định mới về xét nghiệm với khách bay nội địa
Ngày 21-1, Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện hành khách, tổ bay trên các chuyến bay nội địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển dịp Tết.
Theo đó, chỉ yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hành khách xuất phát khi lưu trú, cư trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa); hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa. Những hành khách này cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay. Đối với thành viên phi hành đoàn, hủy quy định phải xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 7 ngày/lần.
Quy định mới được áp dụng trong điều kiện tình hình dịch ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và tỉ lệ tiêm chủng cao. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 19-1, cả nước đã tiêm gần 173 triệu liều vắc-xin, trong đó người từ 18 tuổi trở lên là 157,4 triệu liều, trẻ từ 12-17 tuổi là 15,3 triệu liều.
(Nguồn: Thái Phương, Người lao động, Chủ nhật, 23/1/2022, 09:29 (GMT+7))