Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến khác, gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Đó là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, do Bộ VH-TT&DL vừa ký ban hành.
Nội dung kế hoạch nêu rõ, đối với nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, Bộ VH-TT&DL sẽ ưu tiên thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng, chống dịch, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K.
Tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế.
Thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Việc xúc tiến được triển khai qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến; các kênh truyền thông quốc tế lớn; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ VH-TT&DL cũng khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng.
Đối với việc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới của thị trường, Bộ VH-TT&DL sẽ triển khai quy hoạch hệ thống du lịch, định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời, hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe...
Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ.
Đặc biệt, Bộ VH-TT&DL cũng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, như phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.
Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch: Nâng cấp ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc xin để phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi hỗ trợ khách du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến). Nâng cao hiệu quả các hoạt động marketing số; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
(Nguồn: Ngọc Hà, Vietnamnet, 08/09/2021, 18:10 (GMT+7))