Sớm mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế sẽ giúp ngành du lịch không chậm chân so với các nước trong khu vực cũng như góp phần phục hồi cả giao thương, đầu tư, thương mại.
Ngay sau kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) về việc cần sớm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế vào dịp 30-4 và 1-5 tới, Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này và cho rằng không thể trì hoãn mở cửa thêm được nữa.
Sẽ mở cửa và công bố rộng rãi
"Có bao nhiêu thị trường sẵn sàng đến Việt Nam hay còn do dự?" - đó là câu hỏi quan trọng. Vì vậy, thứ nhất, các DN cần khẩn trương nghiên cứu để có chính sách phù hợp. Thứ hai, cần phòng chống dịch bệnh nhất quán từ trung ương đến địa phương; không cát cứ, khác biệt giữa các tỉnh, thành. Thứ ba, sau dịch bệnh, nhiều DN đuối sức, thiếu nhân lực. Liệu khi mở cửa, các DN có đủ nhân lực để thực hiện không? Xu hướng du lịch đã thay đổi, DN cần làm gì, làm như thế nào…, chúng ta cần tính toán để có hướng đi phù hợp hơn.
Nhận định rõ thuận lợi và thách thức để có cái nhìn tổng thể, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết. Từ nay đến thời điểm đó, chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ.
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:
Thời điểm thích hợp
Dịp 30-4 và 1-5 là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách quốc tế. Nếu triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, giảm sự thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.
Từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các DN du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Thiếu tướng LÊ VĂN PHÚC, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Bộ Quốc phòng:
Linh hoạt thời gian mở cửa
Du lịch là một trong những ngành quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi đồng tình về việc mở cửa đón khách. Về lộ trình, Chính phủ cho chủ trương rồi, làm sao đạt được 2 mục tiêu vừa an toàn vừa đạt mục đích phát triển. Còn về mốc thời gian mở cửa, chúng ta làm sao linh hoạt là được.
Hiện tại, chúng tôi đã có phương án đón khách du lịch trở lại. Các đơn vị du lịch đều có thể khai báo điện tử ở bất kỳ đâu. Việc thực hiện visa điện tử cũng được chúng tôi phối hợp với Bộ Công an triển khai tự động hóa công tác kiểm soát nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu đường bộ. Vấn đề đặt ra là làm sao thu hút khách du lịch ở các thị trường phù hợp để phát triển kinh tế.
Ông ĐINH VIỆT SƠN, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải:
Ủng hộ mở lại du lịch quốc tế
Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế. Hiện nay, chúng ta đã mở lại đường bay tại 10 thị trường, còn Trung Quốc chưa đồng ý. Những thị trường Đông Bắc Á chúng ta đã mở 14 chuyến/tuần và đang đàm phán, thương thảo với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức.
Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế là dịp 30-4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không. Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ cho phép căn cứ vào nhu cầu của từng thị trường để được chủ động mở cửa các đường bay quốc tế.
Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):
Không "rào chắn, chốt chặn"
Du lịch là ngành kinh tế trọng điểm có đặc điểm liên ngành, liên vùng, liên quốc gia nên rất cần quan điểm thống nhất, xuyên suốt về trạng thái "bình thường mới". Không "rào chắn, chốt chặn" về các mặt của các địa phương khi đồng thời phòng chống dịch và mở cửa phục hồi kinh tế; thống nhất quan điểm, nhận thức ứng xử, phương án xử lý cụ thể đối với các trường hợp F0 phát sinh của du khách trong nước và quốc tế.
Để du lịch mở cửa trở lại và sớm khôi phục, cần sẵn sàng đẩy mạnh chiến dịch quảng bá, xúc tiến chương trình, sản phẩm kích cầu du lịch quốc tế cụ thể theo cấp quốc gia và DN liên kết trong và ngoài nước, theo từng thị trường, đối tượng khách hàng; điều chỉnh thay đổi theo nhu cầu, hành vi, thị hiếu, mức độ quan tâm với giải pháp an toàn theo tiêu chí cụ thể.
Ngoài ra, cần tuân thủ yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận theo hướng du lịch an toàn, du lịch xanh. Đặc biệt, tại các địa phương, điểm đến có tỉ lệ tiêm phủ cao trong cộng đồng, tôi đề xuất du khách đủ điều kiện nhập cảnh, có hộ chiếu vắc-xin được mở rộng chương trình tham quan, không chỉ giới hạn trong các chương trình "trọn gói, khép kín" để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách.
Ông TRẦN THẾ DŨNG, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour:
Chậm chân sẽ mất nhiều cơ hội
Trong khi ngành du lịch khôi phục mạnh mẽ ở nhiều quốc gia thì chúng ta đang chậm và vẫn loay hoay bàn về thời điểm mở cửa khiến không chỉ DN mà nhiều đối tác nước ngoài cũng rất khó xây dựng kế hoạch đưa điểm đến Việt Nam vào quảng bá, xúc tiến tour, tuyến.
Nếu du lịch quốc tế không sớm trở lại thì rất khó giải bài toán về cạnh tranh điểm đến của Việt Nam và phục hồi của cả DN lẫn ngành du lịch như kỳ vọng, vì đặc thù của khách quốc tế là không dễ bán tour ngay mà phải cần thời gian quảng bá, xúc tiến.
Chúng tôi vẫn cập nhật thông tin cho đối tác nước ngoài nhưng họ phải "án binh bất động" vì chúng ta chưa có thông tin, quy định cụ thể về đường bay, lịch bay, quy định nhập cảnh, địa phương nào mở hoàn toàn.
(Nguồn: YẾN ANH - THÁI PHƯƠNG ghi, Người lao động, 26-01-2022 - 06:28)