TST tourist

Tái khởi động du lịch: An toàn là tiên quyết

  • Thứ 3, 05/10/2021, 15:24 GMT+7
  • 521 Lượt xem

Hoạt động du lịch đang được tái khởi động trên cả nước, nhiều nơi đã xây dựng lộ trình phục hồi du lịch trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2022; trong đó có điểm đến quan trọng như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

An toàn đến đâu, mở đến đó

Trong hội nghị "Tái khởi động du lịch" vào sáng 5/10 tại Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết trên cơ sở Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng lộ trình khởi động lại hoạt động du lịch trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm 2022. Hiện nay, du lịch nội tỉnh được coi là bước đệm cần thiết trước khi mở rộng hoạt động liên tỉnh và đón khách quốc tế.

1_10Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã bắt đầu đón khách du lịch nội tỉnh - Ảnh: Vũ Miền

Tại Quảng Ninh, hoạt động du lịch nội tỉnh phục hồi từ cuối tháng 9, dự kiến tiếp tục đón khách ngoại tỉnh vào  tháng 11. Tại Khánh Hòa, du lịch nội tỉnh được hoạt động từ đầu tháng 10, dự kiến trung tuần tháng 10 sẽ đón khách ngoại tỉnh và kỳ vọng đón khách quốc tế vào cuối năm 2021, sau khi thí điểm tại Phú Quốc (Kiên Giang). Tại Hà Nội, dự kiến trong tháng 10 phục hồi du lịch nội tỉnh, đón khách ngoại tỉnh vào tháng 11...

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định việc khôi phục du lịch nội địa là hết sức quan trọng và đặc biệt ý nghĩa với các doanh nghiệp, và tiêu chí tiên quyết là đảm bảo an toàn. Theo Tổng cục Du lịch, phương châm phục hồi du lịch trong giai đoạn này là “an toàn đến đâu mở đến đó” và “mở cửa phải an toàn”. Cụ thể, hoạt động du lịch sẽ bắt đầu khôi phục tại khu vực có nguy cơ thấp, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung và các dịch vụ liên quan trên tinh thần “vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh” phù hợp với thực tiễn.

2_8Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Ảnh: Minh Khánh

Từ tháng 10/2021, các địa phương khởi động du lịch bằng đón khách nội tỉnh để đánh giá hiệu quả, quy trình đảm bảo an toàn; đồng thời tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách, các phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro.

Trên cơ sở đó, từ tháng 11/2021, các địa phương xây dựng điểm đến an toàn và kết nối các địa điểm này để đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.

Về đón khách quốc tế, sau giai đoạn thí điểm tại Phú Quốc, dự kiến trong nửa đầu năm 2022, hoạt động đón khách quốc tế sẽ được mở rộng tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cần sự chủ động, nhất quán ở địa phương

Vấn đề nhiều địa phương băn khoăn là điều kiện đi lại, chính sách kiểm dịch giữa các nơi còn khác biệt, khiến cho trong hoạt động du lịch bị gặp nhiều rào cản. Ngoài ra, sự chênh lệch lớn về độ phủ vaccine giữa các địa phương, bao gồm cả tỷ lệ tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch đã kéo theo sự chênh lệch về nguồn khách và hạn chế khả năng đón khách của các điểm đến.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết kế hoạch phục hồi du lịch của Đà Nẵng gặp khó khăn vì quy định đi lại, cách ly khác nhau giữa các địa phương. “Để kết nối các vùng xanh và thúc đẩy du lịch nội địa rất cần có sự thống nhất của các tỉnh. Hiện nay nhiều nơi người dân thậm chí không đi qua được chốt kiểm soát địa phương chứ chưa nói đến việc đi du lịch” - bà Hạnh nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Đồng cho biết doanh nghiệp du lịch cũng khó xây dựng tour tuyến du lịch, nếu tiêu chí giữa các nơi khác nhau như hiện nay. Các địa phương cũng nên công bố các dịch vụ, điểm đến được phép hoạt động, vì hiện nay doanh nghiệp du lịch tại Lâm Đồng chưa biết chọn dịch vụ nào, điểm đến nào để thiết kế chương trình du lịch.

Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận, cần xây dựng một số mô hình điểm về du lịch liên tỉnh để các địa phương học tập, hỗ trợ lẫn nhau. Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình đề xuất tạo "luồng xanh du lịch", trên cơ sở thống nhất giữa ngành y tế và ngành du lịch để du khách đi lại giữa các khu vực an toàn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Để du khách đi lại thuận lợi thì phải có sự chủ động phối hợp giữa các địa phương, ví dụ Quảng Ninh và Hải Phòng đã phối hợp được thì các địa phương có thể học tập, tham khảo mô hình này".

3_6Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: Minh Khánh

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt giao Tổng cục Du lịch cập nhật, bổ sung các tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực du lịch, vì bối cảnh hiện nay đã thay đổi so với thời điểm ban hành trước đây. Quan trọng hơn, các địa phương cần hết sức chủ động, có sự chuẩn bị tốt cho lộ trình phục hồi đã đề ra.

"Với những nơi mà du lịch là trọng điểm thì Sở quản lý du lịch cần tham mưu, đề xuất để lãnh đạo địa phương ban hành chủ trương, kế hoạch cụ thể. Nếu muốn sớm đón khách thì phải ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, triển khai tốt các chính sách đã có để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn của ngành du lịch. Ngoài ra, các địa phương rà soát và tính toán thời điểm cho các thị trường của mình, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón khách khi điều kiện cho phép. Trước mắt thì du lịch nội tỉnh là sự chuẩn bị cần thiết, trước khi có những bước dài, rộng hơn như du lịch liên tỉnh, liên vùng kết nối các khu vực an toàn" - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết.

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Ba, 05/10/2021,  14:46 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc