Tại Thái Lan, quần đảo Phi Phi từng được gọi là "thiên đường hạ giới" đang dần lấy lại vẻ đẹp hoang sơ nhờ tư duy làm du lịch mới.
Quần đảo nổi tiếng này đã từng bị khai thác du lịch không bền vững và đã trở nên quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Đến khi dịch COVID-19 xuất hiện, trong khoảng thời gian tạm vắng bóng du khách, quần đảo Phi Phi mới dần lấy lại được vẻ đẹp vốn có.
Gần một hòn đảo san hô nhỏ, cách vịnh Maya vài km, nhà sinh vật học biển Kullawit Limchularat lặn sâu 8m qua làn nước trong vắt, cẩn thận thả ra những con cá mập tre nhỏ. Nhiệm vụ của anh là khôi phục sự đa dạng sinh học ở khu vực này sau nhiều năm bị tàn phá bởi hoạt động du lịch mất kiểm soát.
"Loài cá mập này sống ở đáy biển. Chúng phải sống trong các rạn san hô. Mục đích là khi trưởng thành, chúng sẽ ở lại đây, sinh sản và giúp phục hồi quần thể các loài", anh Kullawit Limchularat, nhà sinh vật học biển chia sẻ.
Trước đại dịch, Vườn quốc gia Phi Phi với những bãi cát trắng và rạn san hô từng thu hút hơn 2 triệu du khách mỗi năm. Như hệ quả tất yếu, dòng người nườm nượp kéo đến trên những chiếc thuyền máy ồn ào, ô nhiễm mất kiểm soát… đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái của khu vực.
Khi đại dịch COVID-19 ập đến, số lượng du khách giảm xuống gần như bằng 0. Điều này đưa toàn bộ quần đảo vào tình trạng "dưỡng bệnh".
Ngoài ra, các thuyền sẽ không còn được phép neo đậu gần bãi biển, mà phải đưa khách khu lịch xuống một cầu tàu cách xa vịnh. Các chuyến tham quan cũng được giới hạn trong vòng 1 giờ, tối đa 300 khách/chuyến. Tại các địa điểm quan trọng khác của quần đảo, số lượng du khách cũng sẽ được điều chỉnh.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng mọi người đều được giáo dục và có trách nhiệm với môi trường. Đó là lý do tại sao chúng tôi thành lập Trung tâm Khám phá Biển, nơi chúng tôi cho du khách thấy thế nào là đa dạng sinh học, mối quan hệ giữa hành vi của bạn và những tác động đến san hô", bà Sirithon Thamrongnawasawat, Phó Chủ tịch phụ trách bền vững và phát triển của Singha Estate, cho hay.
Hiện nay, khi biến thể Omicron xuất hiện, một số quốc gia phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, nhưng đó cũng có thể là một tín hiệu tốt cho những động vật hoang dã trên đảo khi chúng thêm thời gian để phục hồi.
(Nguồn: Ban Thời sự, VTV, Chủ nhật, ngày 02/01/2022, 12:05 (GMT+7))