Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số nước được miễn thị thực (visa) và kéo dài thời hạn lưu trú.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch sáng 15/3, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng 2 nguồn lực để hỗ trợ du lịch phát triển, một là nguồn của Nhà nước, hai là của xã hội.
Ông Bình nhấn mạnh vai trò của các quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt là hoạt động ở nước ngoài, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực.
Theo đó, ông đề xuất các cơ quan, ban ngành khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới thành lập doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam và thực hiện các dịch vụ du lịch. "Du lịch Việt Nam muốn đón những đoàn khách chi trả cao, chắc chắn phải có doanh nghiệp lớn trên thế giới tham gia vào thị trường", ông nhấn mạnh.
Phát triển sản phẩm du lịch từ golf
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng cần có giải pháp đưa Việt Nam thành thị trường của khách du lịch cao cấp. Cần triển khai loạt sản phẩm mới ra đời, đặc biệt là du lịch thể thao, nhất là bộ môn golf.
"Du lịch thể thao thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông. Năm 2019, trong số 5 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam có 1 triệu khách đi đánh golf. Với lượng khách ấy, chi phí để trả cho Việt Nam đến 2-3 tỷ USD", ông Bình cho biết.
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, ông đề nghị có chính sách miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ xem xét chuyển giá điện của cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất.
Về phía doanh nghiệp hàng không, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà kiến nghị cần chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng và có chương trình quốc gia về du lịch. Đồng thời cần có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển.
"Tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành. Năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới, trong đó đây đều là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Bám vào chương trình này chúng ta có thể tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch Việt Nam trong năm", ông nói.
Tăng số lượng nước được miễn thị thực
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần...
"Đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.
Đặc biệt, sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa. Tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại.
Với 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.
(Nguồn: Thanh Thương, Zing news, Thứ tư, 15/3/2023 14:25 (GMT+7))