Với cánh đồng màu mỡ, dòng suối trong xanh cùng hàng chục cọn nước nằm dọc khe Chà Hạ, người dân xã Yên Hòa (Tương Dương) đã xây dựng thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ít ai biết được hơn 10 năm trước nơi đây từng là bãi vàng bị đào xới tan hoang và đi kèm bao hệ lụy.
Một thời tan hoang vì “vàng tặc”
Có dịp trở lại xã Yên Hòa (Tương Dương), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay, khởi sắc của bản làng nơi đây. Điều gây ấn tượng nhất là bà con người Thái ở xã Yên Hòa đã biết làm du lịch, dựa vào cảnh quan và đời sống văn hóa, phong tục để thu hút du khách.
Du khách đến Yên Hòa mê mẩn với cánh đồng mùa trĩu hạt, với gần 50 cọn nước ngày đêm thức cùng dòng Chà Hạ, với cánh rừng săng lẻ tuyệt đẹp và lời ca, điệu múa của những cô gái Thái. Không ít người cho rằng với ưu thế về phong cảnh, Yên Hòa sẽ là một trong những điểm du lịch cộng đồng nổi bật nhất ở miền Tây Nghệ An.
Đi giữa cánh đồng lúa sắp sửa thu hoạch, men theo dòng Chà Hạ trong mát, những cọn nước vẫn miệt mài đưa nước lên ruộng, chúng tôi có cảm nhận được sự no đủ và nhịp sống thanh bình như tên gọi – Yên Hòa. Khách du lịch cũng đang rảo bước giữa cánh đồng, tranh thủ ngắm cảnh sắc núi rừng lúc về chiều và chụp ảnh bên những cọn nước. Ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, hình ảnh của nơi đây chỉ là cảnh khe, suối đỏ quạch do khai thác vàng.
Vùng đất “4 Yên” (gồm các xã: Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa và Yên Thắng) của huyện Tương Dương xưa nay được biết đến là nơi có trữ lượng vàng sa khoáng lớn. Từ xa xưa, bà con người Thái đã làm nghề đãi vàng thủ công, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể, giúp có đủ cái ăn trong mùa giáp hạt.
Rồi bỗng dưng từng đoàn người ở đâu kéo đến, mang theo các loại xà lan, máy xúc, máy bơm công suất lớn đến đào xới dọc khe suối, đồng ruộng. Dòng Chà Hạ, Nậm Ngân, Huổi Nguyên và khe Líp vốn xanh trong bỗng dưng đục ngầu, đỏ quạch, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức cá, tôm không thể sống, bà con phải đi lấy từ nguồn xa về dùng.
Tuyến đường 48C qua Yên Hòa luôn phủ bụi trắng xóa, hành khách đi qua luôn phải hứng chịu tiếng ồn ào của các loại động cơ máy móc, cuộc sống bản làng bị đảo lộn, người dân Yên Hòa luôn sống trong tình trạng “bất yên”.
Hồi ấy, ông Vi Khăm Mun, nghệ nhân dân gian ở bản Xiềng Líp (Yên Hòa) than thở: “Không biết “cơn lốc vàng” đến khi nào mới tan, trả lại cuộc sống bình yên cho bản làng? Bao giờ dòng Huổi Nguyên, Nậm Ngân, Chà Hạ và khe Líp trong xanh trở lại để cá tôm trở về, để chiều chiều bà con ra giặt giũ?”.
Điểm đến hấp dẫn
Nhớ đến nghệ nhân Vi Khăm Mun, chúng tôi liền băng qua cánh đồng, đi thêm một quãng đường ngắn đến bản Xiềng Líp để hàn huyên chuyện trò. Vẫn là ngôi nhà sàn năm nào bên mé đồi, có điều đường đi lối lại đã sạch đẹp hơn.
Sau bao năm gặp lại, ông Mun thực sự vui vẻ, phấn khởi: “Nhà báo đã đi thăm đồng lúa, ngắm cọn nước bên dòng Chà Hạ chưa? Không ngờ cũng có ngày ta được nhìn thấy sông suối trong vùng xanh trong trở lại, con tôm, con cá bơi lội giữa dòng. Lại còn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng”.
Bên chén rượu nhắm với cá nướng, món ăn quen thuộc của người dân Xiềng Líp, nghệ nhân Vi Khăm Mun nói nhiều về quá trình hồi sinh của dòng sông, con suối ở Yên Hòa. Không nỡ nhìn cảnh, sông, suối quanh năm ngầu đục, ô nhiễm nặng nề, người dân Yên Hòa đã kiến nghị với xã, huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấm dứt việc khai thác vàng sa khoáng, sớm hoàn thổ, trả lại mặt bằng cho bà con sản xuất và sinh sống.
Máy móc dần được rút khỏi vùng “4 Yên”, theo năm tháng sông, suối dần dần xanh trong trở lại. Những mùa đầu, cánh đồng còn cằn cỗi, năng suất còn thấp. Với bàn tay cần cù chăm bón của bà con người Thái, mỗi năm ruộng càng thêm tươi tốt, bội thu, những cọn nước được dựng dọc suối để lấy nước tưới, cảnh vật càng trở nên tươi đẹp…
Là cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, anh Lô Thanh được tăng cường về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hòa. Nhận thấy tiềm năng về du lịch sinh thái và cộng đồng của địa phương, anh quyết định xây dựng mô hình phát triển du lịch, vừa khai thác vẻ đẹp cảnh quan, bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa giúp bà con có thêm nguồn thu nhập.
Anh đã sắp xếp thời gian xuống huyện Con Cuông, sang Qùy Châu, Quế Phong, rồi ra tận Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai để học hỏi cách làm du lịch cộng đồng. Trở về, anh lại tìm đến các đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm nhờ tư vấn, thậm chí cầm tay chỉ việc.
Trong đó, có sự hỗ trợ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Hòa”. Chương trình dự án đã hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng đội văn nghệ; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cũng như các điểm đến hấp dẫn của địa phương.
Lần từng bước một, với sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, mô hình du lịch của Yên Hòa bắt đầu hình thành với hai điểm nhấn là hệ thống gần 50 cọn nước dọc khe Chà Hạ và khu rừng săng lẻ ở bản Yên Tân. Thời gian gần đây, một số đoàn khách du lịch đã đến với Yên Hòa thưởng ngoạn phong cảnh và trải nghiệm đời sống văn hóa của bà con người Thái.
Mới đây, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức tour thử nghiệm khám phá Yên Hòa và một số điểm đến ở Tương Dương, các thành viên tham gia đều đánh giá cao về cảnh quan, sinh hoạt văn hóa và ẩm thực.
(Nguồn: Công Kiên, Báo Nghệ An, Thứ tư, ngày 08/06/2022 - 07:34)