Staycation là xu hướng mới nổi trong đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng này có phần phát triển mạnh ở khu vực phía nam, đặc biệt là TP.HCM hơn.
"Khách sạn tôi để không, làm gì có khách mà staycation. Bao nhiêu khách sạn khác trên khu vực phố cổ này còn nằm dài chờ trả mặt bằng kìa. Người Hà Nội không thích staycation lắm đâu", bà Q., chủ khách sạn 4 sao ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ với Zing.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, loại hình du lịch tại chỗ này hầu như không có chỗ đứng ở Hà Nội. Việc thuê các homestay ngoại thành hay nội thành vẫn có nhưng chủ yếu là người trẻ. Phần đông xu hướng này không quá phát triển ở Hà Nội vì nhiều lý do khác nhau.
Staycation là cách chơi chữ giữa "stay" (tại chỗ) và "vacation" (kỳ nghỉ). Khái niệm này ra đời sau cuộc khủng hoảng thị trường năm 2008 tại Mỹ.
Xu hướng du lịch 2 miền
Như ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty Du lịch AZA Travel, từng chia sẻ với Zing, xu hướng du lịch của khách 2 miền có khác biệt tương đối lớn. Trong khi khách miền Nam có thể du lịch nhiều lần mỗi năm, khách miền Bắc thường đi ít, du lịch theo mùa.
Quan điểm này cũng được Raymond, quản lý khách sạn Hanoi La Selva Central đồng tình. Anh cho biết: "Tôi nghĩ khác biệt lớn nhất nằm ở đặc điểm lối sống. Người ở TP.HCM có xu hướng vừa làm, vừa hưởng thụ. Trong khi đó, người Hà Nội hay miền Bắc có xu hướng tiết kiệm, dồn tiền cho 1-2 chuyến/năm.
Vì vậy, người TP.HCM sẽ tìm đến staycation khi thấy bị tù túng trong thời gian dài. Thực ra, ở Hà Nội, một số khách sạn như Metropole, Dolce by Wyndham, La Siesta... cũng phát triển xu hướng staycation. Tuy nhiên, mục đích khách đến đây thường không phải thư giãn mà để check-in, thử dịch vụ cao cấp".
Theo Raymond, khách sạn ở Hà Nội có thể chia làm 2 loại. Một loại hoạt động phục vụ nhu cầu như nhà nghỉ. Nhóm còn lại là khách sạn lớn, cao cấp phục vụ khách du lịch, công vụ. Đây là nhóm có thể hướng đến staycation.
Tuy nhiên, anh nhận xét mô hình staycation ở các khách sạn lớn tại Hà Nội cũng không nổi bật. Nếu mở ra, họ cũng xác định chỉ là kiếm thêm doanh thu duy trì hoạt động, khó biến thành hướng đi chính.
"Những khách sạn theo dạng phục vụ khách du lịch, công vụ có doanh thu trước dịch quá cao. Thời điểm dịch, dù kín phòng cho khách nội, họ cũng không đủ kinh phí để duy trì. Khách sạn nào đủ tiềm lực thì duy trì mở, được đồng nào hay đồng đó. Bên nào không đủ tiềm lực chỉ còn cách đóng cửa", anh nói.
Công ty lữ hành có mặn mà với staycation?
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc - Ban Tiếp thị Vietravel cho biết hiện nay loại hình du lịch staycation chưa phổ biến tại Hà Nội do nhu cầu du khách chưa có. Công ty dự kiến sẽ nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm phù hợp với du khách tại đây trong thời gian tới.
Riêng ở TP.HCM, du khách có sở thích đưa gia đình đi nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống tại các khách sạn, nhà hàng vào dịp cuối tuần giai đoạn hậu giãn cách thay cho những chuyến du lịch xa.
"Do đó, mô hình này đặc biệt phát triển ở thị trường miền Nam. Các cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ cũng thích loại hình này. Khi mở bán sau những đợt dịch trước, chúng tôi cũng nhận được lượng khách tương đối ổn định”, đại diện Vietravel chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông công ty lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận xét hình thức staycation còn tương đối mới ở Việt Nam. Nó là sản phẩm phù hợp trong giai đoạn bình thường mới.
"Thị trường du lịch Việt Nam khá đa dạng với nhiều phân khúc khác nhau. Staycation mới đáp ứng được phần nào trong số những phân khúc này. Nhu cầu du lịch của khách còn rất đa dạng", bà Thu cho hay.
Theo đại diện công ty này, staycation có tiềm năng để phát triển không chỉ ở TP.HCM mà còn tại Hà Nội cũng như các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Cần Thơ. Tuy nhiên, hình thức du lịch này vẫn tương đối mới nên các công ty lữ hành muốn phát triển cần nghiên cứu, thích nghi và nắm bắt cơ hội để xoay chuyển hình thức kinh doanh phù hợp.
Bà Thu nói thêm: "Hiện tại, staycation ở TP.HCM hay Hà Nội vẫn chỉ tập trung vào các sản phẩm lưu trú, ẩm thực ở nội/ngoại thành. Sắp tới, nó có thể đa dạng hơn khi các công ty lữ hành phát triển thêm nhiều sản phẩm".
Mặt khác, các công ty lữ hành cũng đồng tình khó khăn chung của nền kinh tế du lịch là nhu cầu đang giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các sản phẩm du lịch bị yêu cầu khắt khe hơn, nhiều điểm đến vẫn hạn chế. Họ hy vọng những khó khăn này sẽ sớm được giải quyết khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chính sách giữa các tỉnh tìm được điểm chung...
(Nguồn: Anh Tú, Zing news, Thứ bảy, 30/10/2021, 17:59 (GMT+7))