Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, sau Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 11 có thể sẽ là Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt vào tháng 12, và mở cửa lại hoàn toàn với khách quốc tế từ tháng 6-2022.
Tại một cuộc họp trực tuyến với các địa phương mới đây nhằm bàn kế hoạch tái khởi động hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch đã chia sẻ lộ trình mở cửa du lịch an toàn.
Dự kiến từ tháng 11-2021 sẽ triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn như tiêm vắc xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-Covid, nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch.
Với khách quốc tế, Tổng cục Du lịch dự kiến thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2022. Sau đó mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu từ tháng 12-2021 đến tháng 6-2022, như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đặc biệt, Tổng cục Du lịch dự kiến có thể mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6-2022.
Ngày 7-10, có thêm Thanh Hóa đề xuất lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch muốn được sớm thí điểm đón khách quốc tế vào cuối năm nay.
Nhiều địa phương hào hứng với kế hoạch khởi động lại thị trường du lịch, nhưng cũng có nhiều địa phương thận trọng hơn, chủ yếu là lo lắng về an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong khi các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Giang… cho biết đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm du lịch để đón khách nội địa ngay khi cho phép hoạt động trở lại, Đà Nẵng lại đưa ra thời gian dự kiến đón khách trong nước là tháng 6-2022.
Bình Định đã đưa ra kế hoạch thí điểm khởi động lại du lịch trên bán đảo Phương Mai, nhưng chỉ dành cho khách nội địa và dự kiến từ tháng 1-2022.
Kế hoạch đón khách du lịch trở lại cũng đang khiến các địa phương và doanh nghiệp du lịch loay hoay với bộ tiêu chí du lịch an toàn, vì hiện nay mỗi địa phương lại có những tiêu chí riêng.
17/25 ý kiến từ phía các địa phương trong một hội nghị trực tuyến với Tổng cục Du lịch đều đề xuất Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… để có các tiêu chí, quy định du lịch an toàn thống nhất trên toàn quốc.
Thêm một cái khó với việc mở cửa du lịch đó là hiện nay bên cạnh một số ít địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt 95% trong toàn dân, thì cũng có những nơi mới chỉ đạt 20% tiêm mũi 1 cho nhân viên ngành du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch cũng băn khoăn với kế hoạch mở lại hoạt động du lịch khi hiện mới chỉ có vài địa phương cho phép đón máy bay. Đó là chưa kể rất nhiều khó khăn về kinh tế mà các doanh nghiệp đang mong muốn được hỗ trợ để có thể hồi phục đón khách, như những ưu đãi về giá điện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay…
Với kế hoạch đón khách quốc tế, cũng có ý kiến từ những người làm du lịch bày tỏ e ngại về hiệu quả thu hút khách khi những quy định về an toàn phòng dịch đối với khách quốc tế mà Kiên Giang đang đưa ra hiện nay là quá khắt khe, khó khiến du khách hài lòng.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm để có thể mở cửa thị trường du lịch trở lại, và khách nội địa vẫn là niềm hy vọng lớn cho doanh nghiệp du lịch hiện nay.
(Nguồn: Thiên Điểu, Tuổi Trẻ, Thứ năm, 07/10/2021, 21:24 (GMT+7))