TST tourist

Việt Nam hiện có bao nhiêu Vườn Di sản ASEAN?

  • Thứ 3, 24/08/2021, 15:53 GMT+7
  • 798 Lượt xem

Việt Nam hiện có 10 Vườn Di sản ASEAN, nhiều nhất Đông Nam Á. Đó là các Vườn quốc gia: Ba Bể, Chư Mom Ray, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, U Minh Thượng, Bái Tử Long, Vũ Quang, Bidoup - Núi Bà, Lò Gò - Xa Mát, và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh.

1_48

Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Parks) là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực. Việt Nam hiện có 10 Vườn Di sản ASEAN, nhiều nhất Đông Nam Á. Đó là các Vườn quốc gia: Ba Bể, Chư Mom Ray, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, U Minh Thượng, Bái Tử Long, Vũ Quang, Bidoup - Núi Bà, Lò Gò - Xa Mát, và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Trong ảnh là khung cảnh trên đỉnh Fansipan thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên.

 

2_41

Các Vườn Di sản ASEAN ở Việt Nam được công nhận vào các năm: 2003 (Vườn quốc gia Ba Bể ở Bắc Kạn, Vườn quốc gia Chư Mom Ray ở Kon Tum, Vườn quốc gia Hoàng Liên ở Lào Cai, Lai Châu, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh ở Gia Lai), 2012 (Vườn quốc gia U Minh Thượng ở Kiên Giang), 2016 (Vườn quốc gia Bái Tử Long ở Quảng Ninh), 2019 (Vườn quốc gia Vũ Quang ở Hà Tĩnh, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà ở Lâm Đồng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ở Kon Tum). Trong ảnh là hồ Ba Bể ở vườn quốc gia cùng tên.

 

3_36

Vườn quốc gia Vũ Quang ở Hà Tĩnh thuộc vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực Đông Nam Á. Theo trang thông tin của vườn, qua điều tra, nghiên cứu, nơi đây ghi nhận khoảng 1.765 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 202 họ và 737 chi; khoảng 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá, 316 loài bướm, 73 loài kiến, 28 loài nhện...

 

4_30

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nằm tại huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, thuộc tỉnh Kon Tum. Vùng núi rừng Ngọc Linh nổi tiếng với sâm Ngọc Linh, loài cây thân thảo đặc hữu được ví như "quốc bảo", "báu vật đại ngàn". Theo Cổng TTĐT Kon Tum, trước khi có sự phát hiện khoa học vào năm 1973, sâm Ngọc Linh từ xưa đã được người dân tộc Xê Đăng sống trên vùng núi cao Ngọc Linh sử dụng để chữa nhiều loại bệnh.

 

5_26

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm ở trung tâm cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên), trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông, thuộc tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây có 2 ngọn núi cao là Bidoup (2.287 m) và Núi Bà (Lang Biang, 2.167 m). Theo thông tin giới thiệu, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới, có khoảng 301 loài chim, thuộc 67 họ.

 

6_27

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ở Tây Ninh có hệ sinh thái đặc trưng của vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây có cây dầu rái 269 năm tuổi (ảnh) và cây vên vên 215 năm tuổi, cả 2 cao hơn 40 m, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản vào năm 2016, nhân dịp tỉnh Tây Ninh kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển.

 

7_20

Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc địa phận huyện U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, có tổng diện tích hơn 8.000 ha. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn rất độc đáo của cả nước. Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới. 

(Nguồn: Song Phúc, Zing news, Thứ hai, 23/8/2021, 10:05 (GMT+7))

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc