Nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, ứng phó kịp thời diễn biến của dịch bệnh đã giúp Việt Nam cải thiện hiệu quả vị trí các bảng xếp hạng về kinh tế, du lịch.
Với chính sách linh hoạt ứng phó COVID-19, mở cửa biên giới quốc tế từ sớm, kinh tế Việt Nam liên tục đón nhận các tín hiệu tích cực, du lịch quốc tế tăng mạnh, thứ hạng du lịch lữ hành tăng nhanh nhất thế giới.
Chỉ số phục hồi hậu COVID-19 cải thiện mạnh mẽ, trong khi các tổ chức tín dụng cũng điều chỉnh đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam theo hướng tích cực hơn.
Theo báo cáo chỉ số phát triển du lịch và lữ hành 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam lọt top 3 nước tăng trưởng cao nhất. Kết quả từ chính sách ứng phó linh hoạt dịch bệnh của chính phủ.
Trang thông tấn Barnama của Malaysia cùng ghi nhận đánh giá, cho biết lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng 4,5 lần so với năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu từ du lịch tăng 34,7%.
"Sau khi mở cửa biên giới từ 15/3 vừa qua, rất nhiều người Hàn Quốc đã quan tâm, sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Hiện tại máy bay đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam hết chỗ để đặt và chuyến đi giữa hai bên ngày càng tăng dần.. Sắp tới là mùa Hè, mùa du lịch của người dân Hàn Quốc, chính vì vậy chúng tôi kỳ vọng nhiều sân bay, không chỉ một số sân bay như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, mà nhiều sân bay khác sẽ đông khách du lịch Hàn Quốc", ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chia sẻ.
Điểm đến an toàn, chi phí du lịch rẻ, người dân thân thiện, nhiều địa điểm du lịch thu hút… là những thế mạnh của Việt Nam đối với du khách quốc tế, nhận định từ trang AsiaHighlight.
Bên cạnh đó, với việc dỡ bỏ khai báo y tế, mở cửa từ sớm, Việt Nam được nhiều trang báo nhận định là có thủ tục nhập cảnh dễ dàng.
"Chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam đã giúp khách du lịch quốc tế có nhiều thuận lợi hơn khi nhập cảnh. Du khách quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có thủ tục nhập cảnh thuận tiện, môi trường an toàn và có nhiều điểm đến", bà Noemi Perez, Tổng Quản lý Melia Ba Vì Mountain Retreat, cho biết.
Cũng chính từ chính sách ứng phó linh hoạt của Chính phủ đã giúp Việt Nam cải thiện nhanh chóng vị trí trên bảng chỉ số phục hồi hậu dịch bệnh.
Theo tờ Blomberg, trong tháng 5, vị trí của Việt Nam đã tăng 14 bậc lên thứ 22 trong bảng xếp hạng.
"Chúng tôi đánh giá cao quyết định, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó linh hoạt dịch bệnh, hướng tới thúc đẩy phục hồi kinh tế. Các chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô khác đang giúp ổn định, phục hồi và tăng trưởng trong năm 2022. Việt Nam đã có thành tích ấn tượng về tiêm chủng. Chỉ mới năm ngoái, nhiều vùng vẫn phải vật lộn với COVID-19 và bây giờ chúng ta đang ở trong tình trạng bình thường mới, nơi tất cả các hoạt động kinh tế đã trở lại. Điều này sẽ giúp nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng cao", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đánh giá.
Nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, ứng phó kịp thời diễn biến dịch bệnh đã giúp Việt Nam cải thiện hiệu quả vị trí các bảng xếp hạng về kinh tế, du lịch, tạo tiền đề tích cực cho phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, đồng thời giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chuyển dịch nhà máy, chuỗi cung ứng từ các nước sang Việt Nam, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
(Nguồn: Ban Thời sự, VTV, Chủ nhật, ngày 12/06/2022, 11:04 (GMT+7))