Tượng Nữ thần Tự do có tên chính thức là Tượng Nữ thần Tự do Soi sáng Thế giới, nằm trên đảo Liberty rộng hơn 50.000 m2 ở cảng New York. Bức tượng được coi là di tích quốc gia tượng trưng cho sự tự do, thoát khỏi đau khổ của nhiều người nhập cư Mỹ cuối thế kỷ 19, theo Travel Tips.
Năm 2018, 4,34 triệu lượt khách tham quan tượng Nữ thần Tự do. Ảnh: Smart Destinations. |
Theo NPS, ngọn đuốc đại diện cho sự giác ngộ, làm nhiệm vụ thắp sáng, dẫn lối cho con người hướng tới tự do. Ngọn đuốc hiện nay trên tay bức tượng không phải bản gốc. Phiên bản này xuất hiện vào năm 1986 và ngọn lửa bằng đồng được phủ vàng 24 carat. Đuốc đầu tiên được gỡ năm 1984, trưng bày trong sảnh của di tích.
Vào ngày khánh thành bức tượng, 28/10/1886, cố tổng thống Mỹ Grover Cleveland đã phát biểu: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên Tự Do đã chọn nơi đây làm nhà, chúng ta cũng sẽ không bao giờ để nơi tôn thờ của Tự Do bị lãng quên". Bức tượng đã trở thành biểu tượng mẫu mực cho lý tưởng tự do của người Mỹ.
Đây là món quà mà nhân dân Pháp tặng cho nước Mỹ. Bức tượng nặng 225 tấn, cao tương đương với tòa nhà 22 tầng (tính từ chân tượng đến đỉnh ngọn đuốc). Nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi thiết kế hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng, tiêu biểu cho Nữ thần Tự do Libertas của La Mã. Tay phải tượng cầm ngọn đuốc đang cháy, tay còn lại giữ một phiến đá có khắc ngày tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
Tàu tư nhân không được phép hoạt động và đi ra đảo. Du khách phải mua vé đi phà. Ảnh: Newyorkwelcome. |
Tượng được làm bằng đồng bản dày nhưng lại có màu xanh vì đã bị oxy hóa. Đến nay, vẫn có nhiều câu hỏi về việc tượng Nữ thần Tự do là đàn ông hay phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng khuôn mặt của bức tượng được nhà điêu khắc Bartholdi tạc theo hình mẫu người mẹ của mình.
Tượng quay mặt về hướng Đông Nam, đây là vị trí hoàn hảo để các con tàu du lịch đi vào cảng có thể nhìn thấy mặt của bức tượng. Điều này mang ý nghĩa "nữ thần tự do đang chào đón bạn".
Các du khách đến thăm tác phẩm này cũng để lại không ít câu hỏi. Một trong số đó là "tượng có bị sét đánh không?". Câu trả lời là "Có". Tuy nhiên, do tượng được nối với đất qua nền bê tông và bệ đá granite khổng lồ nên công trình hầu như không bị ảnh hưởng. Đến nay, không ai biết được chính xác số lần tượng bị sét đánh.
Du khách sẽ không mất phí khi lên đảo Liberty, nơi đặt bức tượng. Nhưng bạn sẽ phải mua vé đi phà tới đây, vé vào bên trong tượng.
Có 3 loại vé tham quan tượng: vào cửa, thăm bục mà tượng đứng lên và lên đến vương miện. Giá vé vào cửa và tham quan bục có giá bằng nhau, lần lượt là 18,5 USD (người lớn), 14 USD (trên 62 tuổi) và 9 USD (4-12 tuổi).
Nếu bạn muốn leo lên đỉnh vương miện, giá vé lần lượt là 21,5 USD (người lớn), 17 USD (trên 62 tuổi), 12 USD (từ 5-13 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi không được phép leo lên cao). Vé lên tượng không được phép chuyển cho người khác, mỗi lần lên đỉnh tượng, một đoàn chỉ được gồm 4 người.
Chỉ có một cách duy nhất để thăm tượng là bắt phà của công ty Statue Cruises tại hai địa điểm. Phần lớn du khách đến thành phố New York sẽ đi phà từ Lower Manhattan, nhưng bạn cũng có thể đi từ mạn New Jersey. Giá vé từ 17 USD.
Các chuyến phà khởi hành 15-20 phút một lần. Chuyến đầu tiên bắt đầu từ 8h30 vào mùa cao điểm, từ 9h vào mùa thấp điểm. Chuyến cuối cùng xuất phát lúc 16h vào mùa cao điểm, mùa thấp điểm là 15h30. Chuyến cuối từ đảo Liberty khởi hành lúc 17h mùa cao điểm, thấp điểm là 16h45.