Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
TPHCM cùng các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã và đang chuẩn bị kế hoạch, mở các tua, tuyến du lịch trên sông Sài Gòn đồng thời kết nối với các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long để khai phá tiềm năng du lịch to lớn và quý giá của vùng sông nước này.
Khám phá tiềm năng
Cty Vietravel hiện đã tung ra chùm tua liên tuyến ven sông như từ TPHCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết…, đồng thời xây dựng các tua lẻ theo nhu cầu của khách như cho thuê tàu đi riêng lẻ hoặc đi theo nhóm gia đình. “Khách có thể đặt tua để ngắm sông Sài Gòn sau đó cập bến tại Vũng Tàu để tiếp tục trải nghiệm tại thành phố biển này. Các gói tua này thường dành cho khách hàng cao cấp”- bà Huỳnh Phan Phương Hoàng- Phó tổng giám đốc Cty Vietravel cho hay.
Ông Phan Cao Tùng- Giám đốc Trung tâm Du lịch nội địa BenThanh Tourist cũng cho biết đơn vị này hướng tới việc xây dựng các tua du lịch trên sông nhưng kết nối với các điểm du lịch. Du khách sau khi trải nghiệm trên tàu có thể lên bờ tham quan vườn trái cây, thưởng thức ca nhạc, ẩm thực hay thăm quan các di sản tại điểm đến. Cty dự tính sẽ kết nối các điểm tham quan liên vùng như đến huyện Củ Chi (TPHCM), Bình Dương…
Mới đây, Sở Giao thông- Vận tải TPHCM đã đề xuất phương án tổ chức khai thác 2 tuyến vận chuyển khách du lịch liên tỉnh để đưa du khách từ TPHCM tới các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Theo phương án đề xuất, tuyến tàu cao tốc sẽ vận chuyển khách du lịch từ TPHCM đến tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Tàu cao tốc sẽ đưa du khách đi từ bến Bạch Đằng (TPHCM) và đi theo sông Sài Gòn- sông Nhà Bè- sông Xoài Rạp - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo… để tới Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Hai tuyến mới sẽ sử dụng tàu cao tốc có sức chứa từ 75 đến 151 người/tàu và thời gian vận hành sẽ từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Dự kiến, hai tuyến cao tốc này sẽ được đưa vào hoạt động trong quí 3 năm nay.
Theo Sở Giao thông- Vận tải TPHCM, trên cơ sở khảo sát thực tế việc kết nối các khu du lịch, các bến cảng cho thấy nhu cầu du khách hiện tại rất lớn, việc đưa hai tuyến tàu cao tốc vào hoạt động sẽ giảm áp lực cho giao thông đường bộ tới các tỉnh trên đồng thời tạo điều kiện mở rộng, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng thu hút du khách tại các địa phương trên.
Dòng sông di sản
Hoạt động du lịch trên sông Sài Gòn đã có từ lâu. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng các tua du lịch như “Trải nghiệm du thuyền ngắm Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông” đưa khách đi trên du thuyền để dùng bữa, thưởng thức ca nhạc, ngắm cảnh đẹp trên sông Sài Gòn, hay đưa du khách về Cần Giờ trải nghiệm chiến khu Rừng Sác, đưa du khách tới Địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược và trải nghiệm trong các vườn cây ăn quả tại địa phương… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thao, đại diện công ty lữ hành Open Tour. Sông Sài Gòn gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Tiềm năng du lịch của dòng sông này rất lớn nhưng các công ty du lịch chưa khai thác hết và đó là điều đáng tiếc.
Ngoài việc tổ chức tuyến tàu cao tốc TPHCM- Cần Giờ- Vũng Tàu hoạt động hiệu quả, Sở Giao thông- Vận tải TPHCM hiện đang xúc tiến xây dựng tuyến du lịch trên biển TPHCM- Côn Ðảo bằng tàu cao tốc. Với việc xây dựng tuyến này, du khách sẽ có thêm cơ hội đi thẳng tới Côn Ðảo bằng tàu cao tốc 2 thân, thời gian đi chỉ khoảng 5 tiếng đồng hồ xuất phát từ bến Bạch Ðằng.
Tháng 4/2022, TPHCM đã tổ chức khảo sát sông Sài Gòn với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và cùng một số chuyên gia văn hoá, một số đại diện các Cty lữ hành. Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm nhấn của sông Sài Gòn không chỉ đẹp bởi giá trị thiên nhiên mà còn hấp dẫn du khách bởi các giá trị văn hóa đặc trưng của miền Đông Nam bộ, đặc biệt là các công trình di sản văn hóa ven sông. Dòng sông gắn liền với sự phát triển của hơn 300 năm Sài Gòn- TPHCM với sự hội tụ của các công trình mang giá trị về lịch sử và văn hóa như miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương), đền Bến Dược, địa đạo Củ Chi, Phủ Chúa Xứ Ngũ Hành (TPHCM), bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, khu Ba Son… Việc kết nối nối du khách với các công trình di sản văn hóa này sẽ tạo ra nhiều tua du lịch mang tính khám phá, trải nghiệm đầy thú vị. Các chuyên gia cũng cho rằng rất cần những dự án liên kết, tạo thuận lợi và thu hút du khách tới những công trình điểm nhấn ven sông Sài Gòn của TPHCM cũng như các tỉnh lân cận.
(Nguồn: Trọng Thịnh, Tiền phong, 18/06/2022 | 05:58)