Englishen

'Không nên làm khó du khách quốc tế đến Việt Nam'

Thứ sáu, 04/03/2022, 08:22 GMT+7

Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết rất "bàng hoàng" với góp ý của Bộ Y tế và khẳng định như vậy sẽ không đón được khách.

Tại tọa đàm Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP HCM năm 2022 do Sở Du lịch TP HCM tổ chức vào sáng 3/3, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, đưa ra các quan điểm để sẵn sàng đón khách sau 15/3.

"Sau phúc đáp của Bộ Y tế về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi thấy bàng hoàng, tưởng mọi chuyện đã xong, hóa ra vẫn chưa. Với các điều kiện đề xuất như vậy thì chúng ta sẽ không có khách, kế hoạch bị bỏ ngang", ông nói.

Vị này cho biết thêm, tính đến hết tháng một, sau gần ba tháng triển khai thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, nước ta đón gần 9.000 lượt, trung bình mỗi tháng khoảng 3.000 khách. "Chúng ta phải thú thực là chương trình thí điểm không thành công. Vì điều kiện quá khó, khó với hàng không, doanh nghiệp du lịch và cả du khách, khó với tất cả mọi người. Nên mở cửa chính thức và mở một cách tự tin. Một khi khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam thì đối xử với họ như khách nội địa vì cũng là người đi du lịch như nhau", ông nói.

TSTtourist-khong-nen-lam-kho-du-khach-quoc-te-den-viet-namÔng Lương Hoài Nam phát biểu ý kiến tại tọa đàm Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP HCM năm 2022. Ảnh: Thành Nhân

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, cũng chia sẻ cần xem khách quốc tế như khách Việt Nam vì họ cũng đã tiêm đủ vaccine, đã có test PCR. "Còn khâu đi lại, sử dụng dịch vụ, chúng ta cần làm việc kỹ lại với nhau, để khi khách quốc tế đến Việt Nam, họ không cảm thấy bị kỳ thị và thấy vui vẻ hơn", bà nói.

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho hay với chính sách hiện nay, giá thành của các sản phẩm du lịch tăng lên rất nhiều vì chi phí xét nghiệm Covid-19 và phòng chống dịch. "Đơn cử như một tour quốc tế vào Việt Nam thì mỗi khách ít nhất phải test PCR ba lần, một lần trước khi vào, một lần sau 3 ngày, một lần trước khi họ rời Việt Nam. Chi phí này rất tốn kém và còn tốn thời gian, khâu hậu cần... ", ông Duy nói.

Nhiều ý kiến cũng nói về quan điểm khôi phục chính sách miễn thị thực nhằm thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19 và mở cửa du lịch từ 15/3. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ thì nay nên mở rộng mới thu hút được khách đến Việt Nam.

Ngoài ra, với chính sách cách ly F1 như hiện nay, nhiều người cho rằng sẽ không có đủ nhân sự phục vụ du khách. Một số nơi tại Hà Nội đã xảy ra trường hợp này, quán không có người phục vụ vì gia đình là F0, còn nhân viên là F1, tất cả đi cách ly thì lấy đâu ra người làm. "Chúng ta cần phải xem xét lại nếu không sẽ trả giá vì chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện rất nhiều, nhưng tình thế đã khác so với thời điểm tháng 8 và 9 năm ngoái", ông Nam nói.

(Nguồn: Huỳnh Nhi, VnExpress, Thứ năm, 3/3/2022, 13:53 (GMT+7))