Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Viện Hải dương học cải tạo đường hầm xuyên núi Cảnh Long thành một bể trưng bày tài nguyên, nuôi sinh vật biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hệ thống Aquarium của Bảo tàng Hải dương học do Viện Hải dương học (Nha Trang) quản lý điều hành và tổ chức hoạt động. Hệ thống có diện tích 5000 m2, bao gồm tổ hợp bể nuôi sinh vật biển với hơn 300 loài (các loại Rùa biển, cá Mập, cá Đuối, cá Chình, cá Mú, san hô sống với các loại cá cảnh biển, tôm Hùm, …).
Để phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, Viện Hải dương học đã bố trí một khu vực mang tên “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.
Ảnh chụp 3D của khu vực 4 - Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Khu vực này được cải tạo từ đường hầm xuyên núi xây bởi người Pháp vào năm 1930, với chiều dài 120 m, rộng 8-10 m và độ cao 5 m. Đường hầm từng được dùng để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long. Ảnh: Space Travel (Space 3D).
Bể trụ Acrylic có chiều cao 4,3 m, đường kính 3 m, thể tích nuôi 30 m3. Bên trong, đàn cá tai tượng thuộc giống Platax kích thước lớn bơi theo đàn trong dòng chảy vòng tròn chuyển tiếp.
Bể nuôi san hô mềm đang trong quá trình hoàn thiện. Có bốn bể nuôi được được lắp đặt bằng kính cường lực nhập ngoại. Trong đó, 2 bể áp tường 98 m3 và 55 m3, 1 bể bán nguyệt 15 m3 và 1 bể vòm 165 m3.
Hồ vòm thủy cung có chiều dài 25 m, đây là khu vực nằm phía cuối đường hầm, thu hút đông du khách.
Du khách đến Viện Hải dương học có dịp trải nghiệm cảnh thợ lặn xuống dưới các bể kính biểu diễn cùng các loài cá. Những người này phần lớn là các kỹ thuật viên tại viện, đảm nhận luôn công việc nghiên cứu, theo dõi các loài sinh vật tại bể.
Đi cùng gia đình 7 người, chị Lan Anh (TP Nha Trang) đang chụp ảnh các loài cá bơi lội trong hồ vòm. “Đến đây không chỉ để giải trí, mà còn giúp cho các con của tôi biết thêm nhiều loài sinh vật biển lạ”, chị nói.
Đàn cá mập 9 con tại hồ vòm thủy cung.
Trẻ em xem đàn cá khế vằn bơi lội trong bể rạn san hô.
Tiêu bản cá mú được các nhà khoa học mang về từ vùng biển Trường Sa.
Phía trên cùng của hầm được tận dụng cải tạo lại để phục vụ công tác vận hành, giám sát kỹ thuật. Khu vực này gồm các hệ thống lọc tách bọt protein skimmer, hệ thống lọc cát, lọc sinh học, máy sục khí luân phiên, máy sục ozone và hệ thống đèn UV khử trùng.
(Nguồn: Bùi Toàn, VnExpress, Thứ ba, 10/5/2022, 09:57 (GMT+7))