Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Mỗi quốc gia lại có một cách chào đón năm mới khác biệt, với ý nghĩa và sự thú vị riêng.
Không chỉ đơn giản là cùng nhau đếm ngược thời khắc giao thừa hay quây quần ngắm pháo hoa, nhiều quốc gia trên thế giới đón năm mới theo lối truyền thống đặc sắc.
Những con số và các hành động luôn mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo, xúi quẩy và cầu mong may mắn, hạnh phúc đến với mình và người thân trong cả năm.
Nga: Trồng cây dưới hồ băng
Tại Siberia (Nga), người dân có truyền thống trồng cây dưới hồ băng vào đêm giao thừa. Theo đó, những người thợ lặn bất chấp thời tiết khắc nghiệt, lặn xuống sâu phía dưới mặt nước đóng băng để trồng "cây năm mới". Đây là cách họ đánh dấu sự xuất hiện của vị thần mùa đông và thể hiện sự khởi đầu mới.
Người Nga cũng có truyền thống trước nửa đêm, viết ra những mong muốn của mình cho năm mới vào một tờ giấy, sau đó châm lửa đốt tờ giấy này. Sau khi giấy cháy hết, rắc tro chứa “đầy ước nguyện” này vào một ly champagne và uống hết sau khi đồng hồ điểm nửa đêm.
Đan Mạch: Đập vỡ chén đĩa
Người Đan Mạch tin rằng bát đĩa vỡ trong năm mới sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho gia chủ. Vì vậy, vào dịp này, họ sẽ mang theo bát đĩa, đồ dùng bằng thủy tinh, sành sứ không dùng đến và đập vỡ trước cửa nhà bạn bè. Hành động này mang ý nghĩa chúc phúc. Nhà ai có nhiều bát đĩa bị đập vỡ trước cửa chứng tỏ họ được nhiều người yêu quý và sẽ có năm mới đầy may mắn.
Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng có phong tục mọi người trèo lên ghế và cùng nhảy xuống đất vào đúng lúc đồng hồ điểm 12 giờ đêm, để xua đuổi đi những xui xẻo. Chỉ cần quan sát kỹ trước khi thực hiện cú nhảy đảm bảo an toàn và không làm gãy ghế.
Philippines: Mặc trang phục chấm bi
Ở Philippines, họa tiết chấm bi lên ngôi trong ngày 31/12. Người dân quan niệm mặc trang phục có chấm bi tăng cơ hội gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Người dân nước này cũng tin rằng những đồ vật gắn bên mình có hình tròn như đồng xu sẽ mang lại sự sung túc về tiền bạc trong năm mới. Do đó, ngoài việc người ta thường mặc đồ có họa tiết chấm bi, họ cũng ưu tiên chọn thức ăn có hình tròn, mang đồng xu bên người... để cầu may mắn, giàu có.
Brazil: Mặc áo trắng, nhảy 7 con sóng
Tại đất nước này, việc chọn trang phục cho đêm giao thừa khá đơn giản. Mọi người đều mặc màu trắng để cầu may mắn và bình an.
Ngoài ra, khi đến các bãi biển ở Brazil vào dịp năm mới, bạn sẽ được tham gia vào một phong tục có tên là "nhảy 7 con sóng". Với niềm tin về những điều may mắn sẽ đến trong năm mới, người Brazil sẽ mặc trang phục màu trắng, mang theo một bó hoa để ném ra biển trong lúc nhảy sóng đêm giao thừa.
Mọi người sẽ ném những bông hoa trắng xuống biển như một món quà gửi tặng nữ thần biển cả. Người dân nơi đây tin rằng nếu làm như vậy, nữ thần biển cả sẽ mang lại cho họ sự hạnh phúc và thịnh vượng cả năm.
Hy Lạp: Treo hành tây trước cửa
Đối với người Hy Lạp, hành tây là biểu tượng của sự may mắn và khả năng sinh sản, bởi vì chúng nảy mầm ngay cả khi không ai chăm sóc.
Vào đêm giao thừa, các gia đình ở Hy Lạp treo những chùm hành tây phía trên cửa ra vào như một cách để mời sự thịnh vượng vào nhà. Ngày Tết, cha mẹ cũng đánh thức con bằng cách xoa nhẹ đầu con bằng một củ hành.
Nhật Bản: Rung chuông 108 lần
Trong đêm giao thừa, các ngôi chùa khắp Nhật Bản sẽ đồng loạt đánh 108 hồi chuông để xua đi 108 thói hư tật xấu tồn tại trong mỗi con người. Nghi lễ này bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo. Tục lễ này được gọi là joyanokane.
Theo truyền thống, 107 tiếng chuông được rung vào ngày cuối cùng của năm và hồi chuông thứ 108 sẽ vang khi bước sang năm mới.
Người Nhật Bản tin rằng nếu rung chuông đủ 108 lần sẽ có thể xua tan đi những điều không may mắn trong năm cũ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ecuador: Đốt hình nộm
Người Ecuador gọi những con bù nhìn rơm hay hình nộm là ano viejo, với ý nghĩa là năm cũ. Những con bù nhìn được làm từ quần áo cũ nhồi giấy báo hoặc mùn cưa và đeo mặt nạ.
Truyền thống này xuất phát từ thành phố Guayaquil vào năm 1895 với quan niệm rằng đốt đi những điều không may mắn, tiêu diệt chuyện xấu xa trong năm cũ để chào đón năm mới.
Estonia
Phong tục đêm giao thừa ở đây là ăn theo số may mắn. Những con số may mắn nhất là 7, 9 và 12, tương ứng với số bữa ăn mà người Estonia sẽ ăn trong thời khắc chuyển giao sang năm mới.
Ở thủ đô Tallinn, mỗi gia đình bày thật nhiều rượu và món ăn với niềm tin ăn càng nhiều thì sẽ càng no đủ trong năm tới. Tuy phải ăn rất nhiều nhưng mọi người không nhất thiết ăn hết đồ trong đĩa, hãy để lại chút thức ăn thừa bởi người Estonia tin rằng điều đó làm cho linh hồn của tổ tiên cũng vui vẻ.
(Nguồn: Khánh Vân, Zing news, Thứ bảy, 31/12/2022, 08:16 (GMT+7))