Englishen

Côn Đảo: Từ ''địa ngục trần gian'' đến thiên đường nghỉ dưỡng

Thứ sáu, 29/07/2022, 08:19 GMT+7

Côn Đảo được nhiều tạp chí du lịch uy tín của nước ngoài ca ngợi là “thiên đường của thiên nhiên”, "là một trong 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh”. Trước đây, Côn Đảo từng là “địa ngục trần gian” với những ký ức đau thương nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào đối với các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành hòn đảo du lịch có sức quyến rũ với du khách trong và ngoài nước.

Một góc Côn Đảo hôm nay. Ảnh: Hồ Ý

Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, Côn Đảo liên tục bị thực dân và đế quốc chiếm đóng. Đây cũng là nơi có hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương với chế độ cai trị hà khắc nhất trong lịch sử, khiến dư luận thế giới chấn động. 

Từ năm 1861 - 1975, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng tại đây 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - “chuồng cọp”. Năm 2012, Khu di tích lịch sử Côn Đảo được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, gồm 17 di tích thành phần: Trại Bác Ái, trại Cộng Hòa, trại Nhân Vị, cầu Ma Thiên Lãnh, Khu biệt lập Chuồng bò, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương... Chỉ nghe qua những cái tên ấy, du khách đã có thể hình dung phần nào về sự hành hạ dã man của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai đối với các chiến sĩ cách mạng bị lưu đày tại đây.

Đến Khu di tích lịch sử Côn Đảo, du khách không khỏi xúc động khi nghe hướng dẫn viên mô tả cảnh các tù nhân bị giam trong Khu Chuồng cọp kiểu Pháp - nơi có 120 phòng giam, 60 phòng “tắm nắng” (không có mái che) được thực dân, đế quốc dùng để giam giữ và tra tấn 2.000 tù nhân bằng các phương thức, thủ đoạn đê hèn nhất như bắt phơi nắng, đổ vôi và chất thải vào người hay chọc sào, tạt nước. Dã man hơn, chúng còn xây dựng Khu biệt lập Chuồng bò, nơi một phần diện tích được nuôi bò để che mắt các đoàn giám sát nhân quyền quốc tế; một phần là các trại giam tù nhân với điều kiện khắc nghiệt chưa từng có. 

Để hình dung hết về “địa ngục trần gian” xưa kia, du khách nên ghé thăm các điểm di tích quan trọng khác như Cầu tàu 914 - nơi 914 tù nhân đã ngã xuống vì lao động khổ sai để xây đoạn cầu tàu dài 130m, rộng 4,8m; Nhà Chúa đảo - nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo; Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và tù nhân yêu nước. Khoảng 2 vạn chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trên hòn đảo này, nhưng chỉ có chưa đầy 2.000 ngôi mộ cá nhân và tập thể, cả hữu danh lẫn vô danh. Nhiều nhà yêu nước như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu... được an táng tại nghĩa trang này. 

Một trong những trải nghiệm được rất nhiều người lựa chọn là viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương vào thời khắc giao thoa giữa ngày cũ và ngày mới. Du khách Trần Đình Khoa (Hà Nội) chia sẻ: “Trong chuyến đi đầy ý nghĩa đến Côn Đảo vào dịp tháng 7 này, tôi và gia đình ngoài nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng còn ghé thăm các di tích lịch sử để các con tôi có dịp hiểu hơn về truyền thống đấu tranh và sự hy sinh lớn lao của cha ông. Đặc biệt, được viếng mộ "cô Sáu", chúng tôi vô cùng xúc động và càng ý thức hơn về giá trị của nền hòa bình, độc lập hôm nay”.

Là một trong những doanh nghiệp khai thác tour Côn Đảo nhiều năm qua, ông Đoàn Ngọc Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quốc tế MTV Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: “Côn Đảo là điểm đến “hot” trong những năm gần đây. Hầu như lần nào chúng tôi tung gói du lịch Côn Đảo cũng hết rất sớm. Ngoài phong cảnh thiên nhiên và hệ thống di tích ý nghĩa, du khách đến hòn đảo này còn để nghỉ dưỡng trong không gian thanh bình, lãng mạn và đầy hoài niệm...”.

Những người từng đặt chân đến Côn Đảo sau nhiều năm trở lại đều ngạc nhiên vì sự “lột xác” ngoạn mục của nơi này. Nếu như 20 năm trước, du khách còn cảm thấy e ngại vì không khí u tịch, vắng vẻ thì nay Côn Đảo đã trở thành một hòn đảo du lịch, một “thiên đường” nghỉ dưỡng như các tạp chí Lonely Planet, Travel + Leisure ca ngợi. Dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí hay cơ sở hạ tầng, đường giao thông đã được cải thiện và tăng tính kết nối với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến với Côn Đảo ngày càng nhiều hơn. 

Để du lịch Côn Đảo “cất cánh”, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích, bảo vệ hệ sinh thái và an ninh quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại, bền vững. Hướng đi đó có thể chậm nhưng chắc, để Côn Đảo luôn là “hòn ngọc quý” của du lịch Việt Nam.
(Nguồn: Phượng Cao, 07:22, thứ sáu, ngày 29/07/2022)