Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Nhiều ý kiến cho rằng cùng với số người được tiêm vaccine tăng, đã đến lúc từng bước mở lại các đường bay để phục vụ việc đi lại, phục hồi kinh tế và giải cứu ngành hàng không.
Ngày 4-9 vừa qua, chuyến bay chở gần 300 công dân Việt Nam (VN) có hộ chiếu vaccine từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Dự kiến ngày 12-9 tới, sân bay Vân Đồn sẽ tiếp tục đón chuyến bay tiếp theo đưa các công dân hồi hương từ Mỹ.
Sân bay Vân Đồn là nơi đầu tiên được Chính phủ giao nhiệm vụ đón các chuyến bay thí điểm cách ly y tế bảy ngày đối với các hành khách đủ điều kiện. Sau các chuyến bay thí điểm đầu tiên, Chính phủ cùng với tỉnh Quảng Ninh sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng.
Tiền đề mở lại đường bay quốc tế
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nhấn mạnh: Các quy trình tiếp nhận khách của sân bay rất chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Qua chuyến bay đầu tiên cho thấy khách tuân thủ nghiêm túc các quy định của ngành hàng không và cơ quan y tế đưa ra nên việc nhập cảnh diễn ra thông suốt. Bên cạnh đó, sân bay đã nâng mức áp dụng các biện pháp an toàn phòng chống dịch lên mức độ cao nhất.
“Đây là tiền đề để các hãng hàng không khai thác nhiều chuyến bay quốc tế, từng bước phục hồi đường bay thương mại để phục hồi kinh tế và giúp việc đi lại của người dân, các nhà đầu tư bớt khó khăn” - ông Sáu nhấn mạnh.
Trước đó, hãng hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines) cũng đã thí điểm thành công ba chuyến bay quốc tế bằng hộ chiếu vaccine. Trong đó, một chuyến đi Nhật Bản, một chuyến từ Nhật Bản về VN và một chuyến đi châu Âu. Đại diện Vietnam Airlines đánh giá: Kết quả ba chuyến bay thử nghiệm cho thấy quy trình triển khai ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử rất nhanh chóng và đơn giản.
Đại diện một số hãng hàng không khác cũng khẳng định đã sẵn sàng đội bay và nguồn nhân lực để kết nối với việc mở lại đường bay nội địa lẫn quốc tế khi cơ quan chức năng cho phép, trong đó đặt yếu tố an toàn ở mức ưu tiên cao nhất. Bởi đây là cách tốt nhất để giúp bảo vệ hành khách trước sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời giúp ngành hàng không có thể dần dần hoạt động trở lại sau thời gian dài đóng băng.
Mong sớm mở cửa đường bay nội địa
Cục Hàng không VN cho biết cơ quan này vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn dịch COVID-19. Mục tiêu nhằm đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch và duy trì hoạt động vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế.
Theo đó, để đi máy bay, hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đồng thời, hành khách phải đáp ứng một trong các điều kiện như: Có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến sân bay xuất phát, hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, các hãng hàng không cho biết họ khá sốt ruột vì thời gian đóng cửa các đường bay nội địa đã lâu, do vậy cơ quan chức năng cần tính toán đối tượng khách, lộ trình mở cửa trở lại từng bước để thu hút khách đi lại.
Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều ứng dụng khai báo y tế và việc cập nhật tình trạng tiêm vaccine chưa hoàn thiện nên căn cứ để tham chiếu sẽ không thống nhất. Điều này gây không ít khó khăn cho việc mở cửa trở lại. Ngoài ra, nếu việc mở cửa các sân bay nằm trong vùng xanh nhưng lượng khách đi lại thấp cũng không mang lại hiệu quả.
Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN, nhìn nhận sau hai năm chống dịch, ngành hàng không đã có một số kinh nghiệm nhất định để ứng phó. Đặc biệt, cùng với số người được tiêm vaccine tăng nên đã đến lúc mở lại các đường bay nội địa để phục vụ việc đi lại, phục hồi kinh tế và giải cứu ngành hàng không. Tuy nhiên, việc mở lại cần tính toán cẩn trọng, từng bước, có kiểm soát để vừa phục vụ khách vừa bảo vệ công tác chống dịch thời gian qua.
“Để đường bay nội địa sớm phục hồi, nhà chức trách hàng không cần có hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, các hãng hàng không cần chủ động chuẩn bị kế hoạch chi tiết để khi được phép khai thác thì sẵn sàng tuyên truyền, hỗ trợ khách các thủ tục cần thiết để đi máy bay” - ông Châu nhấn mạnh.
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan
Không chỉ các hãng hàng không mà các nhà khai thác cảng hàng không cũng ủng hộ kế hoạch mở lại các đường bay nội địa và quốc tế để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thông thương hàng hóa. Tuy nhiên, để phục hồi ngành này cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bên liên quan.
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Cảng hàng không Đồng Hới, kiến nghị ngành hàng không cần tính toán mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Giai đoạn này, lượng khách đi lại chưa đông nên từng bước mở cửa thu hút khách đi lại cho giai đoạn cuối năm.
Ông Nam cho rằng việc phân chia các vùng từ nhà chức trách hàng không theo ba vùng đỏ, vàng và xanh là cần thiết nhưng để thực hiện cần phải chi tiết hơn. Đồng thời, kế hoạch này cần công bố sớm để các hãng hàng không và chính quyền các tỉnh, thành phối hợp.
“Một điểm đáng lưu ý khác là cần có sự liên thông dữ liệu khách đi máy bay tiêm đủ hai liều vaccine, giấy xét nghiệm COVID-19, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19... Hiện các loại giấy tờ này chưa đồng bộ, dữ liệu tiêm vaccine chưa cập nhật lên hệ thống. Vì vậy cần thống nhất cách làm và hướng dẫn rõ hành khách nên mang theo loại giấy tờ gì liên quan để nhận diện nhanh chóng” - ông Nam đề xuất.
(Nguồn: Phong Điền, Pháp luật TP.HCM, Thứ Sáu, ngày 10/9/2021, 06:56 (GMT+7))