Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian lưu trú với khách quốc tế lên 30 ngày và xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu.
Sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế. Thủ tướng nêu rõ, ngay sau khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã mở cửa du lịch, tổ chức SEA Games 31... Chủ trương này đúng đắn, du lịch nội địa phục hồi mạnh, lượng khách vượt kế hoạch đề ra. Nhưng du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn.
"Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt hàng loạt vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, tại cuộc họp, thị trường du lịch dần phục hồi, nhất là khách nội địa. Nhiều nơi ghi nhận khách tăng cao. Các doanh nghiệp lữ hành quay lại thị trường, mở thêm nhiều dịch vụ. Hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch cả nước hoạt động trở lại bình thường. Dịp hè, công suất phòng khách sạn một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc... đạt hơn 95%.
Nhưng một trong những thách thức với Việt Nam là hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng nhiều biện pháp chống Covid-19. Trung Quốc chưa mở cửa du lịch quốc tế, xung đột quân sự Nga - Ukraine tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến nguồn khách Nga.
Nhiều nước cạnh tranh hút khách quốc tế bằng chính sách miễn visa như Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 65 nước còn Việt Nam mới miễn 24 nước. Thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày. Theo ông Hùng, thời hạn miễn thị thực với khách đến Việt Nam 15 ngày là "rất ngắn so với các nước trong khu vực, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần".
Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, ông Hùng đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Ông cũng đề xuất kéo dài thời gian lưu trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho họ vào Việt Nam, xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu.
Các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như biển đảo, văn hóa, sinh thái... sẽ tập trung làm mới. Cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách tiềm năng như đạo Hồi, Hindu, khách ăn chay... cần sớm được củng cố. Ngoài ra, ông Hùng đề nghị kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch. Từ năm 2023, các cơ quan điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nguồn nhân lực du lịch cần được chú trọng phát triển; thu hút người từng làm ở lĩnh vực du lịch thôi việc, chuyển việc quay trở lại; tập trung nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ.
Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; dừng khai báo y tế với người nhập cảnh từ tháng 4; không phải xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ tháng 5.
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới, Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế; Bamboo Airways đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch trừ Moskva (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ.
Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như TP HCM/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... giá vé đợt hè tăng hơn 20% so với các tháng trước đó.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế. Năm 2022, Việt Nam đón khoảng 3,5 triệu lượt, bằng 70% chỉ tiêu đặt ra. Khách nội địa đạt 101 triệu lượt, gấp rưỡi kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch.
(Nguồn: Viết Tuân, VnExpress, Thứ tư, 21/12/2022, 12:54 (GMT+7))