Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa độc đáo, Hải Dương còn có những vườn vải, vườn ổi ngút ngàn, những cánh đồng chuối hay cà rốt rộng cả chục hécta... Đây chính là lợi thế để Hải Dương phát triển du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Với hệ thống sông ngòi dày đặc kết nối làng mạc, cánh đồng và gần 7.000 ha cây ăn quả, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) được ví như “miền Tây thu nhỏ” của vùng đất xứ Đông. Đến Thanh Hà mùa vải chín, du khách vô cùng thích thú trước những vườn vải sai trĩu, chín đỏ như mâm xôi; được chèo thuyền và tự tay lựa những chùm vải thiều tươi ngon la đà gần sát mặt nước... hay thăm "cây vải tổ" có tuổi đời hơn 200 năm tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Thanh Hà còn là vùng đất có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tồn tại hàng trăm năm như nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước, lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào, chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vua Trần Nhân Tông…
Để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch, huyện Thanh Hà đã triển khai đề án “Phát triển các điểm du lịch gắn với du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025”. Theo ông Nguyễn Văn Vịnh - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Hà, đề án đã có những kết quả ban đầu, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết: "Thời gian qua, điểm đến Đồng Mẩn (xã Thanh Khê) đã đón hơn 30.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; cây vải tổ cũng đã đón hơn 40.000 lượt khách. Phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu UBND huyện tiếp tục đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch cộng đồng, từng gia đình, từng người dân trực tiếp tham gia làm du lịch, tạo đà phát triển du lịch".
Du lịch nông nghiệp dựa trên những lợi thế, đặc thù của một địa phương đa dạng và giàu truyền thống văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng đã được Hải Dương lựa chọn, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài Lễ hội vải thiều và Khu du lịch sinh thái sông Hương, tỉnh Hải Dương đã bước đầu xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, như tour du lịch sinh thái đảo Cò (huyện Thanh Miện), khám phá các làng nghề, lễ hội lúa rươi (huyện Tứ Kỳ), lễ hội Cà rốt (huyện Cẩm Giàng)…
Dù vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp tại Hải Dương nói riêng còn manh mún, chưa thực sự có những điểm nhấn thu hút du khách. Huyện Cẩm Giàng, địa phương có 2 cụm Di tích quốc gia đặc biệt là Văn Miếu Mao Điền và Đền Bia cùng nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo như lễ hội Cà rốt, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao... cũng mới đón được vài vạn lượt khách mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng con số này còn thấp so với tiềm năng: "Cẩm Giàng đang tiếp tục phối hợp với các tour du lịch trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh, từng bước đầu tư và nâng cấp, đưa du khách tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt, để làm sao thành một chuỗi du lịch cho Cẩm Giàng. Cẩm Giàng cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương quảng bá các sản phẩm OCOP. Cẩm Giàng có 18 sản phẩm OCOP hiện được công nhận và đang tích cực tham gia các sản phẩm quốc gia để quảng bá các thương hiệu của Cẩm Giàng".
Sản phẩm du lịch đa dạng nhưng thiếu sự kết nối, chưa làm tốt công tác quy hoạch cho từng vùng, từng loại hình cũng là một trong những hạn chế khiến du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hải Dương chưa đạt thành công như kỳ vọng. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn của người dân, bởi họ là nhân tố quan trọng tạo nên sản phẩm du lịch.
Nghệ nhân ưu tú Vũ Văn Điệp, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao (xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) luôn trăn trở khi làng nghề thủ công, vốn được ví như “nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ Xứ Đông” nhưng không được quảng bá, giới thiệu nhiều tới du khách và bạn bè các địa phương.
"Hiện nay chưa có tour tuyến nào về đây. Nếu muốn mở ra khu du lịch quảng bá sản phẩm làng nghề, trước tiên phải mở ra được hội chợ làng nghề, thu hút khách từ tỉnh bạn về đây xem; làm sao có 1 khu trưng bày sản phẩm của quê hương. Theo tôi nghĩ, các cơ quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương có loại hình quảng bá lên mạng xã hội, để tiếp cận được tour du lịch làng nghề" - ông Vũ Văn Điệp nói.
UBND tỉnh Hải Dương đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 3,7 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 7.450 tỷ đồng. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với thế mạnh nông nghiệp của địa phương đã được xác định, trong đó chú trọng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Ông Vũ Đình Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết năm qua, đơn vị đã mở được 5 lớp tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho các cá nhân, cơ sở lữ hành, lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch: "Trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã xác định từng vùng để phát triển du lịch; trong đó tập trung để phát triển về nông nghiệp, nông thôn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới kết hợp du lịch. Năm 2023, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc tập huấn về du lịch nông thôn, làm sao tạo được sự liên kết và có hướng dẫn, định hướng cho người dân trong việc tham gia tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày một bền vững".
Xứ Đông, vùng đất với những vườn cây ăn quả trĩu trịt mùa nào thức nấy, với hàng ngàn di tích văn hóa lịch sử cùng lễ hội truyền thống, hệ thống đường giao thông thuận lợi... và hơn hết là sự thân thiện, đằm thắm của con người nơi đây. Tất cả đều là những điều kiện thuận lợi để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn đặc thù, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Hải Dương.
(Nguồn: Thanh Nga, VOV, Thứ Tư, 01/02/2023)