Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Lần lượt nhiều địa phương đã đón thành công các đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên sau gần hai năm ngành du lịch bị 'đóng băng' do đại dịch COVID-19. Nhưng Việt Nam hiện mới chỉ 'hé cửa' đón khách.
Đây là thông điệp chung tại buổi tọa đàm "Du lịch Việt Nam mở cửa đón khách an toàn" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 21-11 tại TP Phú Quốc, Kiên Giang. Để có thể mở rộng cửa một cách tự tin, du lịch Việt Nam phải thực hiện tốt quy trình đón khách an toàn, cần thêm nhiều địa phương tham gia, chủ động của doanh nghiệp trong kết nối thị trường, tung sản phẩm mới.
Vẫn chờ được đón nhiều khách hơn
Ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết việc Phú Quốc đón thành công hơn 200 khách du lịch người Hàn Quốc sử dụng "hộ chiếu vắc xin" ngày 20-11 đã làm cho đảo ngọc như bừng lên sức sống mới.
Tỉnh cũng chọn 13 khu lưu trú trên 8.000 phòng cho giai đoạn mở cửa đầu tiên từ đây đến cuối năm cùng với 9 điểm mua sắm. "Nếu thí điểm thành công, địa phương muốn xin mở rộng thêm quy mô đón khách vì các doanh nghiệp đều rất mong muốn" - ông Thái nói.
Theo bà Lê Thị Thu Trang - tổng giám đốc Công ty Vinpearl Discovery & VinOasis, trong quá trình phục hồi, các doanh nghiệp đang nỗ lực rất lớn để có thể kết nối, thúc đẩy du lịch khởi sắc trở lại. Nhưng các doanh nghiệp không chỉ muốn vực dậy mà còn hướng đến phát triển, tăng trưởng bền vững cả thị trường quốc tế lẫn nội địa.
"Chúng tôi cũng xác định sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác khôi phục lại du lịch quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh và đón đầu xu thế nghỉ dưỡng quốc tế cũng như triển khai linh hoạt các mô hình phù hợp để đón khách quốc tế" - bà Trang nói.
Thực tế khi dịch hoành hành, hệ thống này vẫn giữ kết nối với hệ thống đối tác du lịch - lữ hành trong và tại các thị trường Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... cũng như tìm cơ hội thúc đẩy và hỗ trợ để có phương án tổ chức đón khách từ các thị trường này đến Việt Nam an toàn, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo hành trình du lịch hấp dẫn, chất lượng dịch vụ 5 sao đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tín hiệu phản hồi từ đối tác của Vinpearl tại thị trường các nước, theo doanh nghiệp này, đều đang rất tích cực và tiềm năng.
Doanh nghiệp đã chủ động
Ông Đỗ Xuân Quang - phó tổng giám đốc Vietjet Air - cũng cho biết có nhiều yếu tố để hãng tự tin tham gia chương trình đón khách quốc tế theo "hộ chiếu vắc xin". Thời gian qua, hãng đã luôn chủ động nghiên cứu mô hình "Sandbox" Phuket của Thái Lan mở cửa đón khách và tin rằng Việt Nam sẽ phục hồi du lịch tốt hơn như thế vì các tiêu chí tuân thủ an toàn Việt Nam làm tốt, theo tiêu chuẩn thế giới.
Ông Trương Đức Hùng - phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) - cũng nhận định thành công của chương trình thí điểm sẽ tạo tiền đề cho việc mở cửa du lịch quốc tế ở các địa phương khác. Hiện nay du lịch Việt Nam đang tập trung mở đường hàng không, tuy nhiên lợi thế của du lịch tàu biển rất lớn và đây có thể là những sản phẩm mới cho "hộ chiếu vắc xin" thời gian tới.
"Hiện các hãng tàu biển lớn trên thế giới cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vừa rồi Saigontourist Group đã làm việc với một số địa phương có lợi thế về sản phẩm du lịch tàu biển để có phương án phát triển sản phẩm "Bong bóng du lịch khép kín" cho hình thức này" - đại diện Saigontourist Group thông tin.
Hóa giải tâm lý chần chừ
Từ chia sẻ của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết việc đón thành công các đoàn khách quốc tế vừa qua ở một số địa phương cho thấy mở cửa là một nhu cầu hết sức cấp bách hiện nay để phục vụ các hoạt động du lịch. Sự quan tâm cũng thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du lịch quốc tế, đây là những căn cứ để ngành du lich tự tin đề xuất Chính phủ có giải pháp, mở rộng hơn các đối tượng, hình thành đón khách du lịch thời gian tới.
Sau sự kiện một số địa phương đón thành công khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cũng nhận tín hiệu vui từ các địa phương khác đang mong muốn được đón khách, hay những doanh nghiệp đang còn chần chừ để xem xét tình hình thì giờ mạnh dạn hơn, cùng khẳng định Việt Nam đã chính thức mở cửa.
Công nhận còn rất nhiều tiềm năng trong mở cửa đón khách trở lại bằng đường biển, đường bộ, theo ông Khánh, hiện Việt Nam đang tập trung vào loại hình inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) nhưng sẽ hướng đến đề xuất mở outbound vì nếu không chi phí của doanh nghiệp sẽ rất lớn. Nhưng muốn vậy, cần phải có giai đoạn đánh giá, thử nghiệm và các phương án đảm bảo an toàn. Ngay cả hình thức phương tiện vận chuyển. Việc mở lại chuyến bay thương mại thường lệ, ông Khánh cho rằng đang phục vụ rất lớn vào rút kinh nghiệm chương trình thí điểm đón khách quốc tế, nếu có kết quả sẽ thúc đẩy quá trình mở cửa lại sớm hơn.
(Nguồn: Như Bình - Chí Công, Tuổi trẻ, 22/11/2021, 09:15 (GMT+7))