Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Lãnh đạo Đà Nẵng đang làm việc với các hãng hàng không lớn trên thế giới để xúc tiến mở thêm nhiều đường bay, đưa du khách đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho biết năm 2019, thành phố đón 31 đường bay trực tiếp quốc tế với hơn 500 chuyến/tuần. Tuy nhiên, 2 năm ứng phó dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố bị "đóng băng".
"Diễn đàn được tổ chức tại Đà Nẵng là cơ hội tốt để thành phố sớm “mở cửa bầu trời”, thực hiện các giải pháp xúc tiến để hướng tới mục tiêu khôi phục lại số lượng và tần suất các chuyến bay quốc tế trong năm 2024", bà An phát biểu tại tọa đàm với chủ đề “Vietnam Case Study” trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022) đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Đa dạng hóa thị trường
Bà An cho biết từ tháng 3, Đà Nẵng đã mở cửa đón khách trở lại. Ngành du lịch thành phố đã triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu nhưng lượng khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng vẫn khiêm tốn.
"Thực trạng này là của cả nước chứ không riêng Đà Nẵng", bà An nói và lý giải do ảnh hưởng của dịch, các hãng hàng không quốc tế chưa thể phục hồi ngay, đưa khách đến Việt Nam trong ngày một, ngày hai.
Cùng quan điểm, ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định mặc dù các hãng hàng không (cả Việt Nam cũng như quốc tế) đã khôi phục phần lớn các đường bay đến thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng và tần suất khai thác còn hạn chế.
"Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt. Các thị trường tại châu Âu, đặc biệt Nga, bị đóng băng từ tháng 2. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết, trong đó có du lịch quốc tế", ông Sơn nhận định.
Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam gợi ý Đà Nẵng cần kết nối trực tiếp đến thị trường tiềm năng để tạo thuận lợi cho việc khởi động những thị trường như Ấn Độ, Indonesia.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng cho biết thêm thành phố đã đặt mục tiêu đa dạng hóa thị trường nguồn khách để tránh lệ thuộc các thị trường truyền thống và dự phòng những rủi ro có thể gây gián đoạn các thị trường này.
Cùng với đó, Đà Nẵng cũng thu hút các thị trường xa thông qua việc kết nối với các cảng hàng không quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại - du lịch với các nước trong khối Đông Nam Á, đồng thời hướng đến thị trường tiềm năng Ấn Độ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ cũng như chờ đợi đường bay trực tiếp đến thị trường này. Thực tế cho thấy sau Việt Nam, các thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ cũng đang có chính sách mở cửa tích cực. Cùng với mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, có thể dự báo đây là thị trường tiềm năng lớn trong trao đổi thương mại - du lịch”, bà An nhận định.
Tổ chức nhiều sự kiện để thu hút du khách
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho hay cùng với việc xúc tiến mở lại đường bay thì thành phố cũng triển khai 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới gồm: Cơ cấu lại nguồn lực đầu tư và hạ tầng, tạo sản phẩm khác biệt; tiếp tục giữ gìn môi trường an toàn, thân thiện, mến khách.
"Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và Đông Nam Á. Tốc độ bình quân tăng trưởng khách do cơ sở lưu trú phục vụ dự kiến đạt 17,63%/năm trong giai đoạn 2021-2030", ông Bình thông tin.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để hiện thực hóa mục tiêu trên, từ ngày 11/6-13/8, sở cùng với một tập đoàn uy tín sẽ tổ chức chuỗi sự kiện kết nối dành cho khách du lịch.
Theo đó, lễ hội sẽ có các hoạt động chính gồm diễu hành carnival đường phố, đại nhạc hội, lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế, không gian ẩm thực truyền thống và bia quốc tế, chương trình âm nhạc đường phố, lễ hội yoga quốc tế và các hoạt động khác.
Chương trình carnival đường phố sẽ diễn ra vào tháng 6 và tháng 7, dọc theo sông Hàn. Sự kiện quy tụ hơn 200 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, 10 xe diễu hành mô phỏng các địa danh nổi tiếng như cầu Rồng, bảo tàng Chăm, thuyền du lịch biển, các công trình biểu tượng tại Đà Nẵng và các nơi khác trong cả nước.
"Với chuỗi hoạt động lễ hội đặc sắc, TP Đà Nẵng kỳ vọng mùa hè năm nay sẽ đón được lượng khách tương đương dịp hè 2019 và phấn đấu hết năm sẽ đón 3,5 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 6,7 nghìn tỷ đồng", Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng mong muốn.
(Nguồn: Đoàn Nguyên, Zing news, Thứ tư, 8/6/2022 14:39 (GMT+7))