Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Trong giai đoạn mới, Lai Châu sẽ tiếp tục cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ hoạt động “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021”, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu tổ chức tọa đàm “Đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu” nhằm tìm ra những giải pháp khả thi để khai thác và phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu theo đúng tinh thần “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Lai Châu là vùng đất sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với các địa danh nổi tiếng, được coi là những nguồn tài nguyên quý giá và thế mạnh để Lai Châu thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch Lai Châu còn một số hạn chế như việc khai thác các sản phẩm du lịch hiện vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố tài nguyên, môi trường sinh thái; phát triển theo chiều rộng, chưa đủ chiều sâu và tính chuyên nghiệp. Do đó, hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.
"Trong thời gian tới, để phát triển mạnh du lịch Lai Châu, địa phương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá và liên kết với các địa phương xung quanh như Lào Cai, Điện Biên. Cần thu hút du khách khi họ lên đến Sa Pa thì phải đi thêm Lai Châu, thăm các cảnh điểm của Lai Châu. Tỉnh nằm giữa Điện Biên và Lào Cai, nếu không làm tốt công tác xúc tiến quảng bá, liên kết vùng để phát triển sản phẩm du lịch thì sẽ là khó khăn đối với Lai Châu" - ông Nguyễn Đạo Dũng nói.
Theo ông Lương Duy Doanh (Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội), để thu hút và tạo ấn tượng trong lòng du khách, du lịch Lai Châu cần đầu tư thêm cho việc khai thác các nét văn hóa và ẩm thực truyền thống, nhằm tạo nên nét đặc trưng và điểm nhấn riêng.
"Ví dụ như trong một mâm cơm, thay vì bày lên đĩa bát thì chúng ta hãy bày lên những cái mẹt, nó vừa là sinh thái, vừa tạo ra điểm nhấn và đặc biệt các món ăn cần có đặc sắc hơn, mang tính chất thương hiệu và hương vị gắn với vùng đất đó. Với mỗi đặc sản, người chủ hãy giới thiệu món ăn với du khách, cũng chính là giới thiệu nét đặc sắc của quê hương mình. Ngoài ra, cố gắng hạn chế tối đa bê tông hóa và giữ lấy màu xanh của rừng" - ông Lương Duy Doanh nói.
Qua quá trình khảo sát, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng với định hướng rõ ràng cùng những sản phẩm du lịch truyền thống, Lai Châu sẽ có cách nhìn mới cho một hành trình du lịch khác biệt và gắn kết vào chuỗi trải nghiệm dọc hành trình Tây Bắc. Cái khó khăn của Lai Châu trước đây là đường đi không thuận tiện, phải đi từ Sơn La hoặc từ Lào Cai sẽ được khắc phục khi có con đường kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài, qua đó giúp phát triển du lịch Lai Châu trong tương lai gần.
(Nguồn: Huyền Trang, VOV, Thứ Hai, 06:06, 27/12/2021)