Englishen

Du lịch "rộng cửa", vì sao hàng quán ở Hà Nội phải đóng sau 21h?

Thứ năm, 10/03/2022, 08:17 GMT+7

Việc Hà Nội yêu cầu hàng quán đóng cửa trước 21h không còn nhiều ý nghĩa. Du lịch cả nước đã mở cửa, đã đến lúc thành phố nên cho phép các hàng quán mở cửa buôn bán, phù hợp với trạng thái bình thường mới.

TSTtourist-du-lich-rong-cua-vi-sao-hang-quan-o-ha-noi-phai-dong-sau-21h-1Các ý kiến cho rằng Hà Nội không cần thiết cấm hàng quán ăn uống hoạt động sau 21h. Ảnh: Hữu Chánh

Virus "không hoạt động theo giờ, không phân biệt vỉa hè hay trong nhà"

Như Lao Động đã phản ánh, hiện nay, nhiều chủ nhà hàng ở Hà Nội “khó hiểu” quy định cấm mở hàng quán sau 21h. Nhiều chủ nhà hàng kiến nghị, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21h là không có ý nghĩa trong công tác chống dịch, ảnh hưởng tới việc buôn bán của người dân. Đã đến lúc Hà Nội nên cho phép các hàng quán mở cửa buôn bán bình thường.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia y tế Trương Hữu Khanh cho rằng, việc cấm này không thực sự hiệu quả trong việc phòng chống dịch hiện nay. Khi biến chủng Omicron lây lan rộng thì việc đóng cửa trước hay sau 21h không còn giá trị.

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay chính quyền địa phương không nên đưa ra nhiều biện pháp hạn chế, mà chỉ cần khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Kể cả việc khai báo y tế hiện nay cũng có thể bỏ bởi không còn giá trị trong việc truy vết, tìm F0 hay F1.

Từ những nhận định trên, bác sĩ Khanh kiến nghị chính quyền địa phương, ngành y tế chú ý bảo vệ, chăm sóc và điều trị cho nhóm người nguy cơ cao, người có bệnh nền, người trên 50 tuổi và phụ nữ mang thai.   

Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, quy định cho cửa hàng ăn uống mở cửa có điều kiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các vấn đề xã hội. Thành phố cần nghiên cứu và thay đổi lại các hình thức chống dịch theo yếu tố nguy cơ. 

Với những hình thức cũ như vậy không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh mà còn kéo theo hệ lụy cho người lao động và toàn ngành kinh tế. Người dân cần phải kiếm sống, cần phải kinh doanh và nhu cầu ăn uống là nhu cầu thiết yếu. Chưa kể, việc cấm bán tại chỗ còn cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, trong bối cảnh phục hồi du lịch. 

Theo phân tích, trong thời gian qua, việc chỉ được mở bán đến 21h cũng gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của nhà hàng. Để đóng cửa lúc 21h thì đến 20h30 đã phải dừng nhận khách, như vậy, nhà hàng chỉ có khoảng 2 tiếng buổi tối để kinh doanh. Việc này vừa không có hiệu quả mà cũng chỉ đủ thời gian bày hàng ra và dọn vào. Việc đảm bảo phòng dịch nếu đã thực hiện nghiêm đến 21h thì thêm 2 tiếng không khác gì nhau.

"Chúng ta hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21h hàng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống, mua sắm... đông hơn vào trước khung giờ cấm, từ đó vô hình chung làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm nếu ta bỏ quy định cấm sau 21h", chuyên gia phân tích.

Trong khi đó, hiện nay hầu hết người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ 2 liều, sắp tới đây coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Để giải tỏa bất cập và góp phần phục hồi kinh tế và các hoạt động kinh doanh nhà hàng được thuận lợi, chính quyền Hà Nội nên nới lỏng thêm thời gian hoạt động.

Chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 không hoạt động theo giờ, không phân biệt là vỉa hè hay trong nhà. Do vậy, bất cứ khi nào, ở đâu cũng có thể lây lan dịch bệnh. Điều quan trọng, mỗi người dân phải tuân thủ các biện pháp, khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch, việc hàng quán đóng cửa trước hay sau 21h không có nhiều ý nghĩa trong phòng, chống dịch COVID-19.

TSTtourist-du-lich-rong-cua-vi-sao-hang-quan-o-ha-noi-phai-dong-sau-21h-2Hà Nội cấm bán hàng sau 21h khiến nhiều quán mất khách, khó kinh doanh.
Hàng quán mất khách, kinh doanh ảnh hưởng

Một chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ rằng, việc liên tục thay đổi quy định về bán hàng ăn uống của Hà Nội khiến nhà hàng, các hộ kinh doanh mệt mỏi vì "chạy" theo cũng không kịp.

Trước Tết Nguyên đán, Hà Nội lấy mốc địa giới hành chính để phân cấp độ dịch, những hàng quán tại "vùng xanh, vùng vàng" vẫn được mở bán tại chỗ, "vùng cam" chỉ được bán mang về. Khi mà lĩnh vực này đã rất "đuối sức" từ suốt hai năm nay thì những quy định không thống nhất, thiếu bền vững sẽ càng làm chồng chất thêm khó khăn, thậm chí là gây thiệt hại, tốn kém.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vẫn phải dành cho công tác phòng chống dịch, nhưng song song với đó là phải thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế.

Do đó, theo ông Long, phải kết hợp giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế mà không thể tách rời cái nào được. Không thể tập trung vào phòng chống dịch bệnh mà giữ nguyên những quy định cũ. 

Nếu quy định này còn kéo dài thì có lẽ nhiều người sẽ không dám mở cửa nữa, vì không biết đến khi nào lại phải đóng cửa. Điều này rõ ràng làm giảm sự hồi phục của lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống, xa hơn là khiến số lượng người thất nghiệp sẽ nhiều hơn.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị sẽ tổng hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, hộ kinh doanh để báo cáo thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, PV Lao Động đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế nhưng chưa nhận được phản hồi. 

(Nguồn: PHẠM ĐÔNG, Lao Động, 10/03/2022 | 07:31)