Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Một mô hình khách sạn thông minh, du khách sẽ nhận và trả phòng trực tuyến, không còn bị ràng buộc quy định giờ nhận phòng hay phải trả phòng trước 12h như truyền thống. Đây sẽ là xu hướng của ứng dụng công nghệ trong du lịch.
Mô hình khách sạn thông minh không còn xa lạ với các nước phát triển và đang được nhen nhóm ở Việt Nam.
Tại Hội thảo về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch được tổ chức chiều 5-12, nhiều mô hình du lịch thông minh, quản lý số trong ngành du lịch đã được các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành giới thiệu, cùng phác thảo xu hướng du lịch số hóa trong tương lai.
Bà Hoa Phạm - trưởng phòng kinh doanh cấp cao Tập đoàn khách sạn Wink Hotels - cho biết mô hình khách sạn thông minh cho phép khách được nhận phòng bất kỳ thời điểm nào và tính theo 24h, chứ không ràng buộc phải check-out trước 12h giờ trưa như truyền thống.
Cũng nhờ công nghệ mà các chương trình thẻ hội viên cũng rất đa năng, như khách có thể sử dụng các dịch vụ trong hệ thống, tích hợp quyền lợi với các đối tác của cơ sở lưu trú như giảm giá bữa ăn, gọi xe công nghệ... "Công nghệ được áp dụng trong trải nghiệm du lịch mang đến một phong cách mới và xu hướng này đang ngày càng phổ biến", bà Hoa Phạm nói.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, chuyển đổi số du lịch đang diễn ra mạnh mẽ. Điều đáng nói những năm trước, chuyển đổi số trong ngành du lịch chỉ diễn ra trong một số lĩnh vực, những doanh nghiệp có tư duy nhạy bén, mạnh về tiềm lực tài chính, thì nay đây là quá trình bắt buộc phải làm nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
"Bản thân ngành du lịch TP cũng nhận thức được tầm quan trọng này, cùng tìm ra những giải pháp trong thời gian tới, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, gắn kết các chủ thể từ doanh nghiệp du lịch đến du khách và cơ quan quản lý nhà nước", ông Hòa nói.
Chuyển đổi số lúc này còn góp phần mang sức sống mới cho các điểm đến du lịch cũng như cảm hứng đi du lịch cho du khách, phát triển bền vững du lịch TP hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong du lịch còn đem đến hỗ trợ họ quảng bá thu hút người dùng trở lại với chi phí thấp nhất, tạo thói quen tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến, chuẩn bị cho việc trở lại an toàn hơn của ngành du lịch.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng công nghệ đã thay đổi hành vi của một du khách từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ đến trải nghiệm tại điểm đến, chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi.
Sự thay đổi của thị trường buộc các doanh nghiệp cũng phải đổi mô hình, cách thức hành động. Bà Đỗ Như Thảo - trưởng phòng chăm sóc khách hàng Saigontourist - cho biết thay đổi rõ nhất chính là cách thức mua tour của du khách.
Trước đây, du khách thường đến các văn phòng để nghe tư vấn, tìm hiểu tour tuyến thì thời gian qua, các trải nghiệm trên nền tảng số nhiều hơn, ngay cả thanh toán cũng ưu tiên không tiền mặt. Những thay đổi này cũng khiến cho cách thức hoạt động của doanh nghiệp cũng phải khác trước.
Vậy chuyển đổi số có thật sự thay đổi tương lai ngành du lịch Việt Nam hay không?
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, về góc độ cơ quan quản lý, sở luôn hỗ trợ công tác chuyển đổi số. Nhưng cũng cần nhìn nhận trong chuyển đổi số không có cá lớn nuốt cá bé hay cá nhanh nuốt cá chậm. "Kinh nghiệm tích góp và trải nghiệm để chọn đúng thời điểm mới là yếu tố thành công", ông Hòa nói.
(Nguồn: N.Bình, Tuổi Trẻ, Chủ nhật, 05/12/2021, 21:28 (GMT+7))